Cách soạn phụ lục sửa đổi bổ sung hợp đồng kinh tế có hiệu lực pháp lý
Hướng dẫn cách giao kết phụ lục hợp đồng để chi tiết, sửa đổi, bổ sung hợp đồng chính đúng pháp luật. Cách nhận biết hiệu lực của nội dung thỏa thuận trong phụ lục hợp đồng theo cách nhìn của luật sư để đánh giá giá trị pháp lý của phụ lục hợp đồng.
Khái niệm phụ lục hợp đồng và giá trị pháp lý của phụ lục hợp đồng
Theo Điều 403 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về phụ lục hợp đồng
“1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”
Như vậy, về giá trị pháp lý thì phụ lục hợp đồng là phần tài liệu kèm theo hợp đồng, có giá trị như hợp đồng, có thể thỏa thuận là một phần không tách rời hợp đồng chính để quy đinh chi tiết hoặc bổ sung, sửa đổi điều khoản cho hợp đồng. Nội dung của phụ lục phải phù hợp với nội dung hợp đồng, nếu khác thì các bên cần thỏa thuận rõ giá trị của phần nội dung này.
Tham khảo: Dịch vụ soạn thảo hợp đồng uy tín
Nguyên tắc ký kết phụ lục hợp đồng
✔ Ký kết phụ lục hợp đồng được hiểu như xác lập một giao dịch dân sự do vậy nguyên tắc đầu tiên của việc ký kết phụ lục đó là: Tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối, nhầm lẫn.
✔ Thứ hai, xuất phát từ giá trị pháp lý của phụ lục hợp đồng mà các bên phải tuân thủ hình thức của phụ lục khi ký kết.
✔ Thứ ba, nội dung phụ lục hợp đồng không được trái với hợp đồng chính. Cụ thể:
- Các nội dung mới chưa được ghi nhận tại hợp đồng chính mà được thể hiện tại phụ lục hợp đồng thì phải được hiểu là điều khoản bổ sung hợp đồng.
- Các nội dung phụ lục trái với nội dung hợp đồng chính được hiểu là điều khoản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nội dung hợp đồng.
- Các nội dung trùng với nội dung hợp đồng chính được hiểu là điều khoản chi tiết nội dung hợp đồng.
Cách đánh giá hiệu lực của phụ lục hợp đồng
“Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” là quy định được sử dụng nhiều trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng hiện nay, có quan tố tụng sẽ căn cứ vào việc triển khai ký kết, thực hiện hợp đồng trên thực tế để xác định giá trị của phụ lục hợp đồng. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu lực phụ lục hợp đồng sẽ bao gồm:
✔ Thứ nhất, là quan điểm của các bên đối với nội dung phụ lục hợp đồng tại thời điểm tranh chấp.
✔ Thứ hai, là câu chữ diễn giải điều khoản nội dung của phụ lục.
✔ Thứ ba, là thời điểm ký kết phụ lục hợp đồng và thời điểm ký kết hợp đồng chính.
✔ Thứ tư, là hiệu lực của hợp đồng chính bởi hợp đồng chính vô hiệu thì các phụ lục cũng vô hiệu.
Thời điểm lập và thời điểm có hiệu lực của phụ lục
Trong quá trình các bên thỏa thuận, nhiều nội dung điều khoản không thể quy định chi tiết luôn trong bản hợp đồng được. Nên để cho các bên dễ dàng thực hiện nghĩa vụ, thì các bên sẽ quy định chi tiết điều khoản đó trong phụ lục. Khi cần giải thích, quy định chi tiết điều khoản thỏa thuận thì sẽ soạn phụ lục hợp đồng. Thường thì các bên soạn phụ lục khi:
✔ Lập cùng khi soạn thảo hợp đồng. Khi các bên ký kết hợp đồng, sẽ đồng thời ký phụ lục hợp đồng. Sau khi hoàn thành việc ký kết, hợp đồng có hiệu lực thi hành thì phụ lục cũng có hiệu lực.
✔ Trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, khi thấy có điều khoản không rõ ràng thì các bên có thể thỏa thuận bổ sung phụ lục để quy định vấn đề đó. Bản phụ lục phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
✔ Hầu hết các loại hợp đồng đều không hạn chế số lượng phụ lục. Tuy nhiên, có một số hợp đồng cụ thể quy định giới hạn số phụ lục được phép lập. Ví dụ như hợp đồng lao động. Tại Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định thì thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và cùng loại thời hạn với hợp đồng đã giao kết. Tuy nhiên, đối với các nội dung khác thì cũng không hạn chế số lần sửa đổi, bổ sung.
Tham khảo: Mẫu phụ lục hợp đồng sửa đổi bổ sung thông tin hợp đồng và cách soạn
Các loại phụ lục hợp đồng thường gặp
✔ Trong thực tế, khi thực hiện hợp đồng sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề mà các bên chưa lường trước được. Khi phát sinh, các bên muốn thống nhất ý chí để tiếp tục thực hiện thì có thể thỏa thuận ký phụ lục hợp đồng. Tùy từng nội dung thể hiện sẽ có tên gọi khác nhau. Phụ lục gia hạn hợp đồng để gia hạn thêm thời gian thực hiện hợp đồng. Phụ lục điều chỉnh hợp đồng để điều chỉnh một điều khoản hợp đồng. Ví dụ điều chỉnh giá trị hợp đồng, thay đổi chủ thể hợp đồng,…
✔ Phụ lục bổ sung hợp đồng là bổ sung thêm các điều khoản phát sinh sau này như hợp đồng vận chuyển không lường trước được thời gian vận chuyển bị tắc đường khiến không giao đúng hạn. Khi phát sinh, các bên thỏa thuận được cách giải quyết và quyết định bổ sung vào hợp đồng để thực hiện những lần sau. Các phụ lục khác: Phụ lục hợp đồng tăng lương, phụ lục hợp đồng bổ sung hàng hóa,….
Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư Trí Nam về giao kết phụ lục hợp đồng. Quý khách hàng có vấn đề pháp lý cần trợ giúp hãy liên hệ với Luật sư để được tư vấn.
Tham khảo: