Ngày nghỉ hàng tuần có bắt buộc phải là chủ nhật không?

  • Mỗi tuần lễ, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục), thường là vào ngày chủ nhật chứ không bắt buộc.
  • “Tuần” được xác định trong Bộ luật lao động 2019 là tuần tính theo lịch. Mỗi tuần là 7 ngày tính bắt đầu từ thứ hai đến chủ nhật.
  • Thời gian nghỉ hằng tuần thường là khoảng thời gian cố định trong tuần mà người lao động được nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe, chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội khác. Tuy nhiên, đối với những cơ quan, xí nghiệp do yêu cầu của sản xuất, công tác hoặc phục vụ nhân dân đòi hỏi phải làm việc liên tục cả tuần, kê cả chủ nhật thì người sử dụng lao động có thể sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần vào một ngày khác trong tuần cho từng nhóm người lao động khác nhau.
  • Trường hợp do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động phải đảm bảo cho người lao động chế độ nghỉ bù thỏa đáng. Tính bình quân mỗi tháng, người lao động được nghỉ ít nhất 4 ngày. Đây là quy định mới, rất rõ ràng để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Như vậy tùy từng doanh nghiệp và đặc thù công việc mà người lao động thường được nghỉ từ 01 – 02 ngày/tuần, tương đương khoảng 04 – 08 ngày/tháng.

Công ty có được hoán đổi ngày nghỉ trong tuần không?

Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động (Khoản 2 Điều 110 Bộ luật lao động 2019). Trường hợp người sử dụng lao động hóa đổi ngày nghỉ trong tuần mà:

  • Việc hoán đổi chưa được ghi nhận trong nội quy lao động.
  • Việc hoán đổi không dựa trên đề xuất của người lao động

Thì việc hoán đổi ngày nghỉ trong tuần được coi là ý chí đơn phương của người sử dụng lao động, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi về làm thêm khi đi làm vào ngày nghỉ cũ.

Nghỉ lễ tết được bao nhiêu ngày?

Hiện nay, chế độ nghỉ lễ tết của người lao động bao gồm:

  • Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
  • Tết Âm lịch: 05 ngày;
  • Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
  • Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

“Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.” (Khoản 3 Điều 111 Bộ luật lao động 2019).

Thẩm quyền quyết định nghỉ hàng tuần

  • Lịch nghỉ hằng tuần sẽ do người sử dụng lao động quyết định và phải được ghi nhận tại nội quy lao động của doanh nghiệp, đồng thời niêm yết công khai tại nơi làm việc.
  • Thông thường, người sử dụng lao động sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần cho người lao động vào ngày chủ nhật để phù hợp với nếp sinh hoạt, học tập, lao động của gia đình và xã hội, tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi hoặc tham gia học tập, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, đối với những đơn vị do tính chất công việc không thực hiện nghỉ hằng tuần vào chủ nhật thì pháp luật cũng cho phép người sử dụng lao động được linh hoạt sắp xếp nghỉ vào ngày cố định khác trong tuần.
  • Theo khoản 3 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 trước khi ban hành nội quy lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, quyền quyết định vẫn nằm ở phía người sử dụng lao động nhưng vẫn sẽ có sự tham gia góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để việc bố trí, sắp xếp lịch nghỉ hằng tuần được phù hợp với người lao động.

Trên đây là các chia sẻ của Luật Trí Nam về ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ tết. Hy vọng các quy định pháp luật sẽ hữu ích cho Quý khách hàng trong việc áp dụng luật.

Tham khảo:

+ Quy định về thời gian làm việc

+ Giấy phép lao động cho người nước ngoài