Hợp đồng thương mại 2023 cần có nội dung gì?
Hợp đồng thương mại là hợp đồng điều chỉnh hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác
Đối tượng của hợp đồng thương mại là gì?
Hợp đồng thỏa thuận về hoạt động thương mại do đó đối tượng của hợp đồng sẽ là các hoạt động thương mại của thương nhân bao gồm: mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác (Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005).
Có bao nhiêu loại hợp đồng thương mại?
Theo Luật thương mại 2005 thì có những loại hợp đồng thương mại sau:
- Hợp đồng mua bán hàng hoá
- Hợp đồng mua bán hàng hoá trong nước
- Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế
- Hợp đồng dịch vụ
- Hợp đồng về xúc tiến thương mại
- Hợp đồng dịch vụ khuyến mại
- Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại
- Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
- Hợp đồng dịch vụ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại
- Hợp đồng về trung gian thương mại
- Hợp đồng gia công trong thương mại
- Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá
- Hợp đồng dịch vụ quá cảnh
- Hợp đồng nhượng quyền thương mại
Nội dung cần có trong hợp đồng thương mại bao gồm
Nội dung của hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng là tổng hợp các điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận. Các điều khoản này xác định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên giao kết.
Căn cứ vào nội dung cơ bản của hợp đồng nói chung quy định tại Điều 398 Bộ luật dân sự 2015, có thể thấy những nội dung cần thiết trong một hợp đồng thương mại bao gồm:
- Căn cứ pháp lý
Căn cứ pháp luật trong được ghi nhận trong hợp đồng là cơ sở để hai bên căn chiếu, điều chỉnh và thỏa thuận phù hợp với quy định pháp luật. Chính vì vậy, cần xác định rõ các văn bản quy phạm còn hay đã hết hiệu lực, từ đó xác định các thỏa thuận có phù hợp với quy định đó hay không?
- Điều khoản định nghĩa
Điều khoản định nghĩa là sự thống nhất cách hiểu về các thuật ngữ, từ viết tắt, nội dung được đề cập trong hợp đồng để các bên đạt đến sự rõ ràng nhất định, tránh rủi ro trong vấn đề tranh chấp hợp đồng do cách hiểu khác nhau.
Trong những hợp đồng mang tính chất chuyên ngành, có những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu hoặc dễ gây nhầm lẫn nếu không được được giải thích rõ ràng mà pháp luật chuyên ngành không giải thích hoặc do sự khác biệt văn hóa, vùng miền thì điều khoản định nghĩa là rất cần thiết, đặc biệt đối với các hợp đồng ngoại thương, hợp đồng giám sát xây dựng, hợp đồng chuyển giao công nghệ.
- Đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng thương mại có thể là hàng hoá hoặc dịch vụ. Đối với hợp đồng thương mại có đối tượng là dịch vụ, đối tượng của hợp đồng cần chỉ rõ cách thức thực hiện, quá trình thực hiện, trình độ chuyên môn của người cung cấp dịch vụ, kết quả công việc, tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ (nếu có).
Đối với hợp đồng thương mại có đối tượng là hàng hoá, đối tượng của hợp đồng cần nêu rõ: tên hàng hóa, các thông số kỹ thuật của hàng hóa, miêu tả hàng hóa, giá trị hàng hóa, chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo một hệ thống nhất định của nước sở tại hoặc thế giới...
- Số lượng, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ
Điều khoản số lượng hàng hóa rất quan trọng trong hợp đồng thương mại có đối tượng là hàng hoá. Thể hiện qua đơn vị tính, số lượng, thậm chí cả phương pháp xác định số lượng.
Đặc biệt trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cần xác định rõ số lượng và cách thức xác định số lượng, độ dung sai, đơn vị đo lường bởi lý do hệ thống đo lường của các quốc gia có sự khác biệt, thậm chí nhiều hàng hóa có sự thay đổi đặc trưng, số lượng, thể tích do sự thay đổi thời tiết, các yếu tố khách quan.
- Giá cả và phương thức thanh toán
Trong điều khoản giá cả thì tối thiểu cần đề cập các nội dung: đơn giá, tổng giá trị (bằng chữ và bằng tiền), đồng tiền thanh toán.
Đơn giá có thể xác định giá cố định hoặc nếu không có giá cố định thì phải đưa ra cách xác định giá cả một cách thống nhất (nội dung này thường phụ thuộc vào thời hạn thực hiện hợp đồng và tính ổn định của hàng hóa trên thị trường).
Guide to Hiring: Basic Terms of Employment Contract in VietnamNếu đơn giá không có giá cố định thì phải đưa ra cách xác định giá cả một cách thống nhất
- Quy định về phạt vi phạm
Điều 300 Luật thương mại 2005 định nghĩa: "Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệmquy định tại Điều 294 của Luật này.”
Trách nhiệm nộp phạt vi phạm chỉ phát sinh khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng (Điều 307 Luật thương mại 2005). Bên cạnh đó, điều khoản phạt vi phạm phải tuân thủ về mức phạt vi phạm được quy định tại Điều 301: "Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.
- Quy định về giải quyết tranh chấp
Đối với trường hợp lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ xác định pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp.
Đối với trường hợp lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp, các bên có thể lựa chọn pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng các bên trước hết cần ghi đầy đủ, chính xác thông tin về trung tâm trọng tài, hoặc theo quy định về điều khoản giải quyết tranh chấp do trung tâm trọng tài quy định, bởi vì điều khoản trọng tài rất có khả năng bị vô hiệu nếu không tuân thủ các quy định pháp luật trọng tài.
Trên đây là chia sẻ của Luật Trí Nam về nội dung hợp đồng thương mại, quý khách hàng cần luật sư tư vấn soạn thảo, sửa đổi hoặc giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại ngay hôm nay hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin
CÔNG TY LUẬT TRÍ NAM
Điện thoại: 0934.345.745
Email: hanoi@luattrinam.vn
Tham khảo: