Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng

Hành vi vi phạm hợp đồng của bên bán chủ yếu phát sinh bởi việc không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ giao đủ, đúng hàng hóa thỏa thuận. Do đó buộc thực hiện hợp đồng là chế hình thức trách nhiệm pháp lý luôn được nhắc tới đầu tiên khi phát sinh tranh chấp hợp đồng mua bán

  • Theo quy định của Luật Thương mại, khi một bên trong hợp đồng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định trong hợp đồng thì bên có quyền lợi bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc áp dụng biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu phí tổn phát sinh (Điều 297). Thông thường, đây là biện pháp được ưu tiên áp dụng trước khi áp dụng các biện pháp khác.
  • Bên bán có thể gia hạn một thời gian hợp lý để khắc phục các vi phạm và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng

  • Phạt vi phạm là chế tài được áp dụng khi có thỏa thuận trong hợp đồng, do đó khi tranh chấp phát sinh từ quan hệ mua bán các bên nên rà soát điều khoản phạt vi phạm để là căn cứ đàm phán, răn đe đối tác chấm dứt hành vi vi phạm để thực hiện đúng hợp đồng.
  • Luật Thương mại năm 2005 có quy định khá rõ ràng về chế tài này tại Điều 300 và Điều 301. Mức phạt đối với bên bán vi phạm hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 Luật Thương mại 2005 (Điều 301).

Tham khảo: Mức phạt vi phạm hợp đồng

Chế tài yêu cầu bồi thường thiệt hại

  • Bồi thường thiệt hại là việc buộc bên bán trả tiền bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Điều 300 và Điều 301 Luật Thương mại).
  • Các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Có hành vi vi phạm hợp đồng, Có thiệt hại thực tế, Mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng của một bên và thiệt hại vật chất của bên kia.

Tham khảo: Thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Đây là một chế tài mới quy định tại Luật Thương mại, theo đó một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau: Xẩy ra hành vi vi phạm mà các bên thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng

Là một chế tài mới quy định tại Luật Thương mại, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Bên bị vi phạm vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Thương mại.

Chế tài hủy bỏ hợp đồng

Điều 312 Luật Thương mại quy định, bên có quyền lợi bị vi phạm có quyền tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc vi phạm của bên kia là điều kiện để hủy hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận. Chế tài hủy bỏ hợp đồng còn được áp dụng trong các trường hợp một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.

Công ty Luật Trí Nam với đội ngũ luật sư giỏi, tận tâm luôn là điểm tựa pháp lý tin cậy giải quyết tranh chấp hợp đồng cho Quý khách hàng. Chúng tôi rất mong được hợp tác với quý vị trong công việc.

Tham khảo: Dịch vụ luật sư uy tín