Nhãn hàng hóa là gì?

Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Theo đó:

  • Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;
  • Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu;

Với khái niệm nhãn hàng hóa nói trên thì “Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát”.

(Điều 3 nghị định 43/2017/NĐ-CP)

Quy định về nhãn hàng hóa bao gồm:

  • Vị trí nhãn hàng hóa
  1. Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
  2. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.

(Điều 4 nghị định 43/2017/NĐ-CP)

Song song quy định trên, vị trí nhãn hàng hóa áp dụng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN như sau: “Những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn, có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa, bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Những nội dung bắt buộc đó là một phần của nhãn hàng hóa.”

  • Cách in mã vạch, QR code trên nhãn hàng hóa

Ghi nhãn hàng hóa khi thể hiện nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử phải đảm bảo:

  1. Phương thức điện tử được thể hiện rõ đường dẫn trên nhãn hàng hóa, ví dụ: mã số mã vạch, mã QR code, trên màn hình điện tử của sản phẩm có màn hình hoặc các phương thức điện tử thông dụng khác;
  2. Bảo đảm phương tiện, thiết bị và/hoặc hướng dẫn khách hàng truy cập nội dung quy định bằng phương thức điện tử của nhãn hàng hóa tại chỗ;
  3. Nội dung thể hiện bằng phương thức điện tử phải tương ứng với nội dung thể hiện trên nhãn trực tiếp, không làm người đọc, xem, nghe hiểu sai lệch bản chất của hàng hóa.

(Thông tư 18/2022/TT-BKHCN)

  • Nội dung bắt buộc được thể hiện bằng phương thức điện tử trên nhãn hàng hóa gồm:
  1. Đồ gia dụng, thiết bị gia dụng không dùng điện: Thành phần; thông số kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;
  2. Đá quý: Thông số kỹ thuật.
  3. Vàng trang sức, mỹ nghệ: Hàm lượng; khối lượng; khối lượng vật gắn (nếu có); mã ký hiệu sản phẩm.
  4. Xe đạp: Tên nhà sản xuất; năm sản xuất; thông số kỹ thuật cơ bản.
  5. Phụ tùng của phương tiện giao thông: Nhãn hiệu, tên thương mại, mã kiểu loại (nếu có).
  6. Vật liệu xây dựng và trang trí nội thất: Thông số kỹ thuật; tháng sản xuất; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản;…

(Thông tư 18/2022/TT-BKHCN)

  • Kích thước nhân hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định kích thước của nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này;

2. Kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Kích thước của chữ và số thể hiện đại lượng đo lường thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về đo lường;

b) Trường hợp hàng hóa là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn thì chiều cao chữ của các nội dung bắt buộc trên nhãn không được thấp hơn 1,2 mm. Đối với trường hợp một mặt của bao gói dùng để ghi nhãn (không tính phần biên giáp mí) nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao chữ không được thấp hơn 0,9 mm.

(Điều 5 nghị định 43/2017/NĐ-CP)

  • Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa

Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng hóa phải rõ ràng. Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hóa.

(Điều 6 nghị định 43/2017/NĐ-CP)

  • Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hóa

1. Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

3. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

4. Các nội dung sau được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh:

a) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

b) Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hóa học, công thức cấu tạo của hóa chất, dược chất, tá dược, thành phần của thuốc;

c) Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

d) Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

(Điều 7 nghị định 43/2017/NĐ-CP)

  • Ghi nhãn phụ

1. Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.

2. Nhãn phụ được sử dụng đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường.

3. Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

4. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.

Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.

  • Những hàng hóa sau đây không phải ghi nhãn phụ:
  1. Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;
  2. Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

(Điều 8 nghị định 43/2017/NĐ-CP)

  • Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa
  1. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
  2. Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
  3. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
  4. Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
  5. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

(Điều 9 nghị định 43/2017/NĐ-CP)

Phân biệt “Nhãn hàng hóa” và “Nhãn hiệu hàng hóa”

Khác với khái niệm nhãn hàng hóa, theo Luật SHTT “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt các hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. Các dấu hiệu đó có thể là từ ngữ (dấu hiệu chữ), có thể là hình ảnh (hình vẽ, hình chụp hoặc hình 3 chiều) hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc”. Theo đó

  • Nhãn hiệu là một chỉ dẫn thương mại, dùng để phân biệt một loại hàng hóa hay dịch vụ do một cá nhân hay doanh nghiệp cụ thể sản xuất hoặc cung ứng với hàng hóa, dịch vụ cùng loại với các cơ sở sản xuất kinh doanh khác.
  • “Nhãn hiệu” hàng hoá hay dịch vụ có thể được dùng chung cho toàn bộ hoặc từng loại hàng hoá của một chủ; nhãn hiệu cũng luôn được đặt ở những vị trí dễ nhận biết trên một sản phẩm hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá, hoặc có thể dùng quảng cáo, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch thương mại mà không cần thiết chỉ dẫn xuất xứ. “Nhãn hiệu” có thể gắn trên bao bì hoặc bất cứ vị trí nào của sản phẩm.
  • Nhãn hiệu giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với nhau và giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.
  • Nhãn hiệu là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức cấp Văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, việc đăng ký nhãn hiệu là không bắt buộc.

Như vậy, về bản chất, “nhãn hàng hoá” chỉ thực hiện chức năng thông tin về hàng hoá cho người tiêu dùng, còn “nhãn hiệu” hàng hoá hay dịch vụ lại thực hiện chức năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại từ các nhà sản xuất khác nhau và có giá trị như một tài sản nếu được đăng ký bảo hộ.

Công ty Luật Trí Nam chuyên dịch vụ đăng ký nhãn hiệu độc quyền uy tín với thời gian nhanh, giá cạnh tranh. Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu ngay hôm nay hãy liên hệ chúng tôi để được trợ giúp.

Tham khảo

+ Thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền

+ Tra cứu nhãn hiệu trùng lặp

+ Thành lập hộ kinh doanh cá thể