Chữ ký cá nhân là gì? Cách chứng thực chữ ký
Chữ ký cá nhân là một phần quan trọng trong việc xác định tính hợp lệ của các văn bản và giấy tờ theo quy định pháp luật hiện hành, Luật Trí Nam phân tích quy định về chữ ký cá nhân để giúp xác định giá trị pháp lý của chữ ký cá nhân trong thực tiễn.
Quy định về chữ ký cá nhân
Chữ ký là một biểu tượng viết tay của cá nhân, thể hiện dấu ấn của cá nhân đó trên văn bản, giấy tờ, hợp đồng giao dịch. Chữ ký cá nhân có thể là một biểu tượng hoặc là chữ ký dạng chữ viết.
Đặc điểm của chữ ký bao gồm:
- Cá nhân có quyền tự quyết định mẫu chữ ký của mình và thay đổi mẫu chữ ký khi thấy cần thiết.
- Cá nhân cần xác lập mẫu chữ ký cho bên thứ ba có thể thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký tại UBND phường hoặc các văn phòng công chứng.
- Chữ ký của mỗi cá nhân sẽ do chính người ấy sáng tạo ra nên thường khó có sự trùng lặp
- Hành vi giả mạo chữ ký người khác để trục lợi, hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Chứng thực chữ ký cá nhân như thế nào?
I. Chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài
Khi chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, nếu người tiếp nhận hồ sơ, người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung của giấy tờ, văn bản thì đề nghị người yêu cầu chứng thực nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt của giấy tờ, văn bản. Bản dịch ra tiếng Việt không phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch, nhưng người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.
(Điều 12 thông tư 01/2020/TT-BTP)
II. Cách thức chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản
1. Lời chứng phải ghi ngay phía dưới chữ ký được chứng thực hoặc trang liền sau của trang giấy tờ, văn bản có chữ ký được chứng thực. Trường hợp lời chứng được ghi tại tờ liền sau của trang có chữ ký thì phải đóng dấu giáp lai giữa giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và trang ghi lời chứng.
2. Trường hợp giấy tờ, văn bản có nhiều người ký thì phải chứng thực chữ ký của tất cả những người đã ký trong giấy tờ, văn bản đó.
(Điều 13 thông tư 01/2020/TT-BTP)
III. Chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP
1. Việc ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.
2. Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;
b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;
c) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;
d) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.
3. Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.
(Điều 14 thông tư 01/2020/TT-BTP)
IV. Chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân
1. Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
2. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
(Điều 15 thông tư 01/2020/TT-BTP)
Nguồn xác định chữ ký cá nhân hợp pháp
Hiện nay nguồn xác định chữ ký cá nhân hợp pháp được lưu trữ tại một số cơ quan sau:
- Lưu trữ trên dữ liệu cua cơ quan công an mẫu chữ ký trong tờ khai đăng ký cấp căn cước công dân, CMTND, hộ chiếu.
- Lưu trữ tại Phòng tư pháp UBND xã mẫu chữ ký trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
- Lưu trữ tại Văn phòng công chứng, UBND xã mẫu chữ ký trên bản yêu cầu chứng thực chữ ký mà cá nhân đó thực hiện tại các cơ quan này.
Cách xác định hành vi giả mạo chữ ký cá nhân
Giả mạo chữ ký được hiểu là hành vi tạo ra biểu tượng viết tay không thực của người khác nhằm mục đích vụ lợi hoặc mục đích cá nhân khác. Chủ thể thực hiện hành vi này gồm cả những người có chức vụ, quyền hạn và những người không có chức vụ, quyền hạn.
Việc xác định tính thật giả của chữ ký trên giấy tờ, văn bản, hợp đồng được thể hiện trên Kết luận giám định do Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh ban hành. Người cần xác định chữ ký giả có thể trực tiếp gửi mẫu yêu cầu giám định hoặc đề nghị Tòa án, Trọng tài hỗ trợ đề nghị cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định để có được kết quả khách quan và chính xác.
Hành vi giả mạo chữ ký bị xử phạt bao nhiêu tiền?
1. Hành vi giả mạo chữ ký trong hoạt động công chứng, chứng thực:
Theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 25 - 35 triệu đồng trong trường hợp giả mạo chũ ký của công chứng viên (điểm b khoản 6 Điều 15);
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng trong trường hợp giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực (điểm a khoản 2 Điều 34).
2. Hành vi giả mạo chữ ký trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải toả kê biên tài sản để thi hành án dân sự.
3. Hành vi giả mạo chữ ký trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm. Đồng thời, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
4. Hành vi giả mạo chữ ký trong lĩnh vực kiểm toán:
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng với trường hợp chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký.
Tội giả mạo chữ ký bị xử lý thế nào?
1. Hành vi giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản:
Giả mạo chữ ký nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thường xuất hiện trong trường hợp mua bán hợp đồng, hợp đồng vay vốn, hợp đồng… Người thực hiện hành vi giả mạo chữ ký có thể bị xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, mức phạt thấp nhất Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội trộm cắp tài sản; Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản;… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Mức phạt cao nhất của Tội này là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân với trường hợp:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
2. Hành vi giả mạo chữ ký trong công tác
Hành vi giả mạo chữ ký trong trường hợp này được thực hiện bởi người có quyền hạn, chức vụ. Cụ thể, theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01 - 05 năm, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 - 20 năm.
Trên đây là chia sẻ của Luật Trí Nam quy định về chữ ký cá nhân và xử lý hành vi giả mạo chữ ký trong thực tế. Hy vọng các thông tin sẽ hữu ích cho mọi người trong việc tham khảo và áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Bài viết hữu ích: