Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động của doanh nghiệp

Theo Điều 18 Bộ luật lao động 2019 thì người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động bao gồm:

  • Chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.
  • Người đại diện theo pháp luật hoặc người nhận ủy quyền của người đại diện theo pháp luật.
  • Người đứng đầu chi nhánh, VPDD của doanh nghiệp

Quy định về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động chi tiết như sau:

“Điều 18. Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động

… 3. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

b) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

c) Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động…”

Thẩm quyền ký hợp đồng lao động với Giám đốc công ty

Công ty là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật thì ký Hợp đồng lao động như thế nào?” là câu hỏi được nhiều doanh nghiệp quan tâm, bởi áp dụng Điều 18 Bộ luật lao động đã nói thì không nhẽ Giám đốc tự ký hợp đồng lao động với chính mình?

Thực tế quy định về bổ nhiệm giám đốc ngoài Bộ luật lao động còn được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp 2020, Luật công chức,… do đó trường hợp công ty có một người đại diện theo pháp luật và người này là Giám đốc luôn thì thẩm quyền ký hợp đồng lao động với Giám đốc sẽ là chủ tịch công ty/ Chủ tịch HĐTV/ Chủ tịch HĐQT tùy theo từng loại hình doanh nghiệp.

Quy định về giao kết hợp đồng lao động mới nhất

Khi giao kết hợp đồng lao động, mọi người cần lưu ý thêm quy định mới sau của Bộ luật lao động 2019 (So với Bộ luật lao động 2012):

Điều 19. Giao kết nhiều hợp đồng lao động

1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 20. Loại hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

Trên đây là chia sẻ của Luật Trí Nam về thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động theo quy định mới nhất. Chúc các bạn thành công.

Tham khảo:

+ Thủ tục làm giấy phép lao động

+ Tư vấn pháp luật thường xuyên