Luật doanh nghiệp nào mới nhất?

Luật số 59/2020/QH14 là Luật doanh nghiệp mới nhất đang áp dụng hiện nay đồng thời thay thế cho Luật doanh nghiệp 2014 số 68/2014/QH13 trước đây.

Luật doanh nghiệp 2020 có 10 chương, 218 điều, Luật đã hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu của Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

  • Tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng cao chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).
  • Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng cao mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới).
  • Nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối.
  • Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Tải: Luật số 59/2020/QH14 Luật doanh nghiệp 2020

Nội dung Luật doanh nghiệp 2020

Phân tích Luật doanh nghiệp 2020

Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020. Luật Doanh nghiệp năm 2020 được ban hành với mục tiêu tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, với 5 cải cách quan trọng gồm:

  • Thứ nhất, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường.

Theo đó, Luật đã bãi bỏ các thủ tục thông báo mẫu dấu, DN có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu truyền thống, thiết lập cơ chế đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử với hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm hồ sơ dấu như hiện nay).

  • Thứ 2, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến.

Cụ thể, Luật mở rộng phạm vi và mức độ quyền của cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty nhằm tạo điều kiện và thuận lợi để cổ đông bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ, bổ sung quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị DN.

  • Thứ 3, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Theo đó, Luật sửa đổi khái niệm DNNN để xác định rõ loại DN mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức giám sát, quản lý phù hợp; bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của DN có sở hữu nhà nước.

  • Thứ 4, thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, Luật bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết làm đa dạng hóa sản phẩm giao dịch trên thị trường chứng khoán, đồng thời giúp các DN, đặc biệt là DN kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội hơn trong thu hút vốn của nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.

  • Thứ 5, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

Vấn đề này trong Luật Doanh nghiệp 2020 tương thích với Luật Cạnh tranh 2018, bổ sung quy định về chuyển đổi DN tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành).

Điểm mới quan trọng của Luật doanh nghiệp 2020

1. Thêm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp

07 nhóm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp

  • Các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam sau đây:
  • Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
  • Luật Doanh nghiệp 2020 còn bổ sung thêm 01 đối tượng khác không được thành lập và quản lý doanh nghiệp: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021 sẽ có 07 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.

2. Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp

Từ năm 2021, ngoài quy định về chữ viết nêu trên thì tại khoản 2 Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm yêu cầu, tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh” (hiện nay chỉ áp dụng với chi nhánh, văn phòng đại diện).

3. Không phải thông báo mẫu dấu trước khi dùng

Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Cụ thể Luật này quy định dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số. Doanh nghiệp được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

4. Thay đổi tỷ lệ vốn trong doanh nghiệp Nhà nước

Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thay vì 100% vốn điều lệ như hiện nay. Cụ thể, Điều 88 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau:

4.1 Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

  • Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
  • Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

4.2 Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

4.3 Còn doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết gồm:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc trong nhóm công ty mẹ - công ty con.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

5. Bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần phổ thông

Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

  • Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
  • Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp;
  • Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết;
  • Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.

6. Tạm ngừng kinh doanh chỉ cần báo trước 3 ngày

Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo (khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020)../.

Tham khảo:

+ Dịch vụ thành lập công ty

+ Thủ tục thành lập chi nhánh

+ Đăng ký hộ kinh doanh cá thể