Quy định về thời hạn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm
Đương sự trong thời hạn kháng cáo được quyền nộp đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại một phần, hoặc toàn bộ hoặc hủy bản án dân sự sơ thẩm. Luật Trí Nam hướng dẫn quy định về thời hạn kháng cáo để mọi người áp dụng
Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Trong đó “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị” Điều 270 Bộ luật tố tụng dân sụ năm 2015
BLTTDS 2015 đã ghi nhận quy định cơ bản về thời hạn kháng cáo tại Điều 273. Theo đó, đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là 07 ngày.
“Điều 273. Thời hạn kháng cáo
1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.”
Vậy, thời hạn kháng cáo tính từ thời điểm nào?
Theo nguyên văn quy định tại Điều 273 BLTTDS 2015 Luật sư vừa chia sẻ thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày tuyên án với đương sự có mặt tại phiên tòa, tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án niêm yết với đương sự không có mặt tại phiên Tòa.
Ví dụ: Tòa án nhân dân quận Đống Đa tuyên án vụ sơ thẩm tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào ngày 08/08/2024 thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày 08/08/2024 đối với các đương sự có mặt tại phiên Tòa căn cứ Điều 273 BLTTDS 2015.
Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo trước khi BLTTDS 2015 ra đời áp dụng theo Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP (sau đây gọi là Nghị quyết số 06) ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ghi nhận nội dung hướng dẫn về thời hạn kháng cáo và kháng nghị theo quy định tại BLTTDS năm 2004.
“Điều 4. Về thời hạn kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 245 và Điều 252 của BLTTDS
1. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết đối với đương sự không có mặt tại phiên toà sơ thẩm.”
Theo nghị quyết 06 thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày tiếp theo của ngày tuyên án, nên ở ví dụ trên thời hạn kháng cáo được tính từ ngày 09/08/2024. Quy định tại nghị quyết 06 cùng phù hợp với quy định về về vấn đề xác định thời hạn, BLDS năm 2015 cũng quy định rõ tại Điều 147 về “Thời điểm bắt đầu thời hạn” và Điều 148 về “Kết thúc thời hạn”. Theo đó, khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định. Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó. Vì vậy tinh thần này được nhiều Tòa án cấp sơ thẩm hiện nay vẫn áp dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền kháng cáo của mình.
Tuy vậy, để đảm bảo không bị xác định kháng cáo khi hết thời hạn thì Luật Trí Nam khuyến cáo khách hàng vẫn nên áp dụng nguyên văn quy định tại Điều 273 BLTTDS 2015. Ngoài ra cũng theo quy định này thì trường hợp nộp đơn kháng cáo qua đường bưu điện thì thời điểm kháng cáo được tính theo dấu ở phong bì chuyển phát, nên đương sự cũng rất ít khi bị trở ngại khách quan làm chậm việc nộp đơn kháng cáo.