Quy định về quyền xin nghỉ việc riêng, nghỉ việc không hưởng lương
Bạn là nguời lao động muốn xin nghỉ việc riêng, hoặc nghỉ việc không hưởng lương nhưng không biết khi mình yêu cầu: Trường hợp nào xin nghỉ sẽ cần chờ công ty, cơ quan đồng ý? Trường hợp nào bạn được quyền nghỉ mà không cần sự đồng ý của cơ quan? Hãy tham khảo quy định về quyền xin nghỉ việc riêng, nghỉ việc không hưởng lương năm 2021 của người lao động dưới đây.
Những trường hợp người lao động được quyền nghỉ việc riêng
Chúng tôi hiểu quy định về thời gian được nghỉ việc hưởng nguyên lương đã được các công ty, đơn vị phổ biến cho người lao động từ thời điểm Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực. Chúng tôi xin tóm tắt lại để quý vị nắm bắt:
✔ Người lao động được nghỉ việc và hưởng nguyên lương với số ngày cụ thể, trong từng trường hợp cụ thể sau:
- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ chết: nghỉ 03 ngày;
- Cha nuôi, mẹ nuôi chết: nghỉ 03 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng chết: nghỉ 03 ngày;
- Cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết: nghỉ 03 ngày;
- Vợ hoặc chồng chết: nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
✔ Người lao động được nghỉ việc và không hưởng lương 01 ngày khi thuộc các trường hợp sau:
- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại chết;
- Anh, chị, em ruột chết;
- Cha hoặc mẹ kết hôn;
- Anh, chị, em ruột kết hôn.
✔ Nghỉ việc trong các trường hợp này người làm động cần làm gì cho đúng?
Khi nghỉ việc riêng, người lao động phải thông báo cho người sử dụng lao động biết. Việc thông báo không nhất thiết bằng văn bản bởi nhiều trường hợp đã nêu thuộc các tình huống mang tính cấp bách như ma chay. Nhưng phải đảm bảo đã thông báo rõ lý do nghỉ việc, sự kiện dẫn đến việc xin ngày và số ngày nghỉ để công ty nắm bắt.
✔ Công ty, đơn vị không cho người lao động nghỉ việc có sao không?
Luật Trí Nam chia sẻ đây là quyền luật định của người lao động, tức là khi có sự kiện đó xảy ra đơn vị sử dụng phải có nghĩa vụ cho người lao động nghỉ để lo việc gia đình. Trường hợp công ty, đơn vị cố tình không cho người lao động nghỉ việc thì:
- Theo điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP đơn vị sử dụng lao động sẽ bị xử phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng.
- Người lao động không chấp hành quyết định của công ty về việc không cho mình nghỉ việc riêng không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.
- Trường hợp vì có sự tranh chấp giữa người lao động trong thời gian nghỉ dẫn đến công ty không có ai thực hiện và gây thiệt hại thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Lưu ý: Theo Bộ luật dân sự 2015 thì hành vi gây thiệt hại có thể do lỗi vô ý.
Những trường hợp người lao động xin nghỉ việc riêng phải được sự đồng ý của đơn vị?
Ngoài các trường hợp đã nêu trên, khi người lao động muốn xin nghỉ việc riêng thì bạn cần nhớ:
- Việc xin nghỉ việc có hưởng lương hay không hưởng lương chỉ là cách thỏa thuận để công ty dễ chấp nhận đề xuất nghỉ việc riêng của bạn. Việc nghỉ việc không hưởng lương không được coi là trường hợp bắt buộc đơn vị sử dụng lao động phải đồng ý.
- Việc xin nghỉ việc riêng trong trường hợp này đơn thuần là thỏa thuận của hai bên về nghỉ việc riêng ngoài quy định của Luật, của hợp đồng lao động. Nên các bên được quyền đồng ý, đưa ra điều kiện, ... Pháp luật không điều chỉnh quyền tự do thỏa thuận của hai bên trong trường hợp này.
- Kinh nghiệm Luật Trí Nam nhận thấy nếu bạn xin nghỉ việc riêng mà không thuộc trường hợp Luật quy định cho nghỉ thì nên thực hiện như sau:
- Bước 1: Kiểm tra công việc để xem nếu xin nghỉ việc riêng có ảnh hưởng không?
- Bước 2: Tham khảo ý kiến của công ty trước khi đề xuất
- Bước 3: Nên viết đơn xin nghỉ việc riêng chi tiết về nội dung xin nghỉ, đầy đủ về phương án khắc phục công việc.
- Bước 4: Chỉ nghỉ việc khi được công ty đồng ý để tránh bị kỷ luật lao động
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết cách áp dụng Quy định về quyền xin nghỉ việc riêng của người lao động. Luật Trí Nam nhận tư vấn pháp luật qua điện thoại hỗ trợ khách hàng qua số 19006196 trong giờ hành chính. Quý vị cần có thể liên hệ ngay hôm nay.
Tham khảo: Mẫu đơn xin nghỉ việc riêng