Nghĩa vụ của công ty khi có khoản vay nước ngoài

Theo Luật sư Trí Nam công ty vốn đầu tư nước ngoài khi có khoản vay nước ngoài phải thực hiện các nghĩa vụ lần lượt theo thứ tự sau:

  1. Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký đầu tư về sự phù hợp của khoản vay nước ngoài. Nếu chưa phù hợp thì phải điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
  2. Kiểm tra nội dung khoản vay, nợ nước ngoài có thuộc trường hợp pháp đăng ký trước khi thực hiện việc nhận tiền vay.
  3. Chỉ thực hiện nhận tiền vay khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài (Nếu thuộc trường hợp này)
  4. Thực hiện đúng các nội dung đã được ngân hàng xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài.
  5. Thực hiện xin xác nhận thay đổi đăng ký khoản vay nước ngoài khi việc vay, trả nợ nước ngoài có sự thay đổi khác với nội dung đã được xác nhận trước đó.
  6. Thực hiện đúng nghĩa vụ báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài theo quy định.

Thường mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động vay, trả nợ nước ngoài khá cao nên các chủ doanh nghiệp cần bố trí nhân sự thực hiện đúng các nghĩa vụ được Luật sư tổng hợp.

Quy định về tài khoản nhận, trả nợ nước ngoài

Căn cứ Điều 34 thông tư 03/2016/TT-NHNN quy định: Đối với Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tài khoản vay, trả nợ nước ngoài là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp...

Thực tế các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo hình thức người nước ngoài góp vốn, mua cổ phần không có tài khoản vốn đầu tư, hoặc khi đăng ký tài khoản vốn đầu tư bị các ngân hàng từ chối, tuy nhiên để phòng tránh sai phạm trong quản lý nguồn vốn vay nước ngoài  doanh nghiệp cần căn cứ quy định về tài khoản vốn để giải trình cho ngân hàng.

Nội dung thu, chi liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài

Vẫn theo quy định tại thông tư 03 thì

Điều 26. Nội dung thu, chi trên Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng ngoại tệ

Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng ngoại tệ chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài như sau:

1. Các giao dịch thu:

a) Thu tiền rút vốn khoản vay nước ngoài;

b) Thu từ mua ngoại tệ từ ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài, thanh toán các loại phí theo thỏa thuận vay;

c) Thu chuyển đổi ngoại tệ từ nguồn rút vốn khoản vay nước ngoài trong trường hợp đồng tiền giải ngân từ bên cho vay không phải là đồng tiền của tài khoản vay, trả nợ nước ngoài;

d) Thu từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của Bên đi vay mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam, tài khoản ngoại tệ của Bên đi vay mở tại nước ngoài.

2. Các giao dịch chi:

a) Chi chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài;

b) Chi chuyển ra nước ngoài để thanh toán khoản nhận nợ bắt buộc cho Bên bảo lãnh là người không cư trú theo quy định tại Chương V Thông tư này;

c) Chi chuyển sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của Bên đi vay;

d) Chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép;

đ) Chi chuyển sang tài khoản ngoại tệ của Bên đi vay mở tại nước ngoài để thực hiện các cam kết theo thỏa thuận vay nước ngoài;

e) Chi chuyển tiền thanh toán các loại phí theo thỏa thuận vay nước ngoài;

g) Chi chuyển đổi ngoại tệ để trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài trong trường hợp đồng tiền trả nợ không phải là đồng tiền của tài khoản vay, trả nợ nước ngoài.

Điều 27. Nội dung thu, chi trên Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng đồng Việt Nam

Tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch liên quan đến khoản vay nước ngoài như sau:

1. Các giao dịch thu:

a) Thu chuyển khoản tiền rút vốn khoản vay nước ngoài trong trường hợp Bên cho vay sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;

b) Thu tiền rút vốn từ bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam trong trường hợp Bên cho vay không sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam mở tại Việt Nam để giải ngân khoản vay;

c) Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của Bên đi vay.

2. Các giao dịch chi:

a) Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của Bên cho vay để thanh toán nợ (gốc, lãi) trong trường hợp Bên cho vay sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam để thu hồi khoản nợ theo thỏa thuận vay;

b) Chi mua ngoại tệ để trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài trong trường hợp Bên cho vay không sử dụng tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam để thu hồi khoản nợ theo thỏa thuận vay;

c) Chi thanh toán khoản nhận nợ cho Bên bảo lãnh theo quy định tại Chương V Thông tư này;

d) Chi thanh toán các loại phí bằng đồng Việt Nam, chi mua ngoại tệ để thanh toán các loại phí bằng ngoại tệ liên quan đến khoản vay nước ngoài;

đ) Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của Bên đi vay.

Chúng tôi chuyên dịch vụ xin xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài uy tín, đảm bảo tư vấn đầy đủ quy định cho doanh nghiệp. Liên hệ ngay số 0904.588.557 để gặp Luật sư.