Cách tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mới nhất
Luật Trí Nam hướng dẫn cách tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chính xác dựa trên tiền lương, phụ cấp của người lao động được hưởng theo quy định mới nhất về lương cơ sở và luật bảo hiểm xã hội.
Mức lương đóng BHXH là gì?
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (Điều 90 Bộ luật lao động 2019)
-> Do đó, mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương người sử dụng lao động kê khai để tính số tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Trong đó:
- Mức lương trả cho người lao động theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu nên mức lương đóng BHXH kê khai cũng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nơi người lao động làm việc.
- Mức lương đóng bảo hiểm xã hội là căn cứ xác định mức hưởng lương hưu người lao động được hưởng khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành.
Cách tính tiền lương đóng BHXH bắt buộc được quy định như sau:
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
2. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở.
3. Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là:
- Tiền lương người lao động được hưởng
- Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
- Phụ cấp lương, bao gồm:
+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Mức lương đóng BHXH cho người lao động bị ngừng việc
Hiện nay nhiều doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng dẫn đến phải cho người lao động ngừng việc trong thời gian dài, và khi thời gian ngừng việc lớn hơn 14 ngày thì mức lương trả cho người lao động được công ty thỏa thuận với họ. Về nguyên tắc lương đóng BHXH sẽ không thể kê khai và đóng ở mức thấp hơn lương tối thiểu vùng. Nên mức lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ áp dụng như sau:
- Nếu lương NLĐ nhận được trong tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng thì lấy mức lương tối thiểu vùng để đóng.
- Nếu lương NLĐ nhận được trong tháng thấp hơn lương trong HĐLĐ và cao hơn lương tối thiểu vùng thì lấy mức lương NLĐ nhận được để đóng BHXH.
Cách tính đóng bảo hiểm xã hội mới nhất
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng như sau:
- Mức đóng BHXH là 25,5% trong đó: NLĐ đóng 8%, đơn vị đóng 17,5%
- Mức đóng BHYT 2023 là 4,5% trong đó: NLĐ đóng 1,5%, đơn vị đóng 3%
- Mức đóng BHTN 2023 là 2% trong đó: NLĐ đóng 1%, đơn vị đóng 1%
Như vậy, tổng số tiền phải đóng khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 32% trong đó: Người lao động đóng 10,5%, đơn vị sử dụng lao động đóng 21,5%. Riêng đối với người lao động nước ngoài do không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội 2023 là 30% trong đó: NLĐ đóng 9,5%, đơn vị đóng 20,5%.
Trên đây là hướng dẫn của Luật Trí Nam về cách tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mới nhất. Hy vọng các chia sẻ sẽ hữu ích cho quý khách hàng trong việc tham khảo và áp dụng pháp luật.
Tham khảo: