Xử lý trường hợp không góp đủ vốn điều lệ công ty
Hướng dẫn xử lý không góp đủ vốn điều lệ công ty khi hết thời hạn góp vốn. Luật doanh nghiệp 2020 quy định về việc xóa tư cách thành viên, cổ đông đối với trường hợp không góp đủ vốn điều lệ như thế nào? Hãy cùng luật sư Trí Nam làm rõ.
Mức phạt lỗi không góp đủ vốn điều lệ công ty
Công ty sẽ bị xử phạt khi có thành viên/ cổ đông vi phạm nghĩa vụ góp vốn đủ vốn theo quy định. Mức xử phạt được quy định tại Khoản 1, khoản 3 Điều 48 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, cụ thể:
“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi công ty không còn đủ số lượng thành viên, cổ đông tối thiểu theo quy định trong thời hạn 6 tháng liên tục.
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.”
Theo quy định này, trường hợp doanh nghiệp có việc không góp vốn hoặc góp vốn nhưng không đủ của các thành viên/ cổ đông mà trong thời hạn quy định không đăng ký thay đổi với Sở Kế hoạch và đầu tư thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trong trường hợp công ty chỉ có 2 thành viên, thành viên không góp vốn mất tư cách thành viên dẫn đến việc công ty chỉ còn 1 thành viên (không đảm bảo số lượng thành viên tối thiểu của Công ty TNHH hai thành viên) mà không đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp buộc phải đăng ký chuyển đổi loại hình, thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp với Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Quy định về thời hạn góp vốn hiện nay
Sp dụng Luật doanh nghiệp 2020 thì thời hạn góp đủ vốn điều lệ của công ty được xác định như sau:
- Thời hạn góp đủ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp mới thành lập là 90 ngày kể từ ngày được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp không phân biệt doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty TNHH hay công ty cổ phần.
- Đối với Công ty vốn đầu tư nước ngoài có GCN đăng ký đầu tư: Thời hạn góp đủ vốn điều lệ cho công ty mới thành lập là 90 ngày như đã nói hoặc một thời hạn dài hơn được GCN đăng ký đầu tư ghi nhận.
Xử lý không góp đủ vốn điều lệ công ty cổ phần, TNHH
- Xử lý hành viên công ty TNHH không góp đủ vốn điều lệ
- Thành viên chưa góp vốn sẽ đương nhiên không còn là thành viên công ty;
- Thành viên chưa góp vốn đủ như đã cam kết sẽ chỉ có quyền tương ứng với phần vốn đã góp;
- Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Như vậy, thành viên chưa góp vốn sẽ đương nhiên không còn là thành viên công ty điều đó đồng nghĩa với việc thành viên đó mất toàn bộ quyền của thành viên công ty nhưng không đồng nghĩa với việc họ cũng không còn nghĩa vụ gì đối với công ty.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, khi xảy ra trường hợp thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp vốn đủ thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp của các thành viên trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết hạn góp vốn (tức ngày thứ 90 kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp). Đến thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ góp vốn, thành viên vẫn phải chịu trách nhiệm đối với phần vốn mà mình cam kết góp.
Ngoài việc phải chịu những rủi ro trên, khi xảy ra sự kiện trên, doanh nghiệp phải tiến hành điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp, loại hình doanh nghiệp (nếu phải thay đổi) và đăng ký thay đổi với Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Xem thêm: Thủ tục giảm vốn điều lệ công ty
- Xử lý cổ đông công ty cổ phần không góp đủ vốn điều lệ
Đối với công ty cổ phần thì xử lý cổ đông không góp đủ vốn cũng tương tự như trường hợp công ty TNHH luật sư đã nêu. Tuy nhiên có một điểm khác biệt đó là theo khoản 2 điều 120 Luật doanh nghiệp 2020 thì “Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp” do đó dù có cổ đông không góp đủ vốn điều lệ mà công ty muốn đăng ký giảm vốn điều lệ thì vẫn phải đảm bảo tỷ lệ nói trên so với thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Thủ tục đăng ký thay đổi thành viên/ cổ đông công ty do không góp vốn
✔ Trường hợp doanh nghiệp có thành viên/ cổ đông không góp vốn hoặc góp vốn nhưng không đủ như đã cam kết, doanh nghiệp cơ cấu lại tỷ lệ vốn góp và tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi đăng ký doanh nghiệp với Phòng đăng ký kinh doanh. Vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp mới tương ứng với vốn đã góp của các thành viên/ cổ đông.
✔ Hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên không góp vốn bao gồm các tài liệu sau:
- Thông báo thay đổi đăng ký doanh nghiệp
- Quyết định, biên bản của công ty
Trường hợp việc không góp vốn dẫn đến việc phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hồ sơ chuyển đổi gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu);
- Điều lệ công ty chuyển đổi;
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu của chủ sở hữu công ty nếu chủ sở hữu là cá nhân;
- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức;
✔ Trong vòng 03 – 05 ngày Phòng đăng ký kinh doanh sẽ có kết quả trả lời hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp được khai nộp.
Xem thêm: Thay đổi đăng ký kinh doanh trọn gói