Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của người khởi kiện

✔  Người khởi kiện là người đưa ra các yêu cầu để Tòa án giải quyết, nhưng trên thực tế, không phải thông tin, tài liệu, chứng cứ nào họ cũng có điều kiện để biết. Chẳng hạn như tài liệu chứng minh địa chỉ của bị đơn; tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm đối với các giao dịch dân sự diễn ra không bằng văn bản mà thông qua trao đổi, giao kết bằng hành vi, lời nói…

✔  Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên khả năng tự bảo vệ, tự thu thập chứng cứ, tự chứng minh còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, mặc dù cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm và thực tế quyền lợi của họ đang bị xâm phạm nhưng lại không thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác cung cấp chứng cứ để làm cơ sở cho họ đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình. Điển hình là trong rất nhiều vụ án, mặc dù đương sự đã mất rất nhiều công sức, thời gian để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu chứng cứ cung cấp, nhưng kết quả thường là: (i) Không nhận được bất cứ phản hồi nào về việc cung cấp hay không cung cấp tài liệu, chứng cứ; (ii) Bị từ chối với nhiều lý do hay thoái thác trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà không có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng; (iii) Cung cấp không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn luật định.

Tham khảo: Thời hạn phải giao nộp đủ chứng cứ cho Tòa án

Khó khăn khi tự thu thập chứng cứ của người khởi kiện

Thực tiễn khi đương sự tự thu thập chứng cứ tại cơ quan, tổ chức khác thì hình thức từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chủ yếu bằng lời nói, hành vi mà không thể hiện qua bất kỳ một văn bản nào thì không có căn cứ để đương sự chứng minh cho Tòa án rằng họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể thu thập chứng cứ. Điển hình là với các thông tin, tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, các tài sản chưa được công nhận quyền sở hữu hợp pháp… thì quá trình yêu cầu xác nhận nguồn gốc, xác nhận quá trình sử dụng ổn định lâu dài… vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Ví dụ: Liên quan đến tranh chấp về xác định tư cách góp vốn của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ E (Công ty E); vụ việc được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đ thụ lý giải quyết từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa xét xử sơ thẩm mà nguyên nhân chủ yếu là do các chủ thể đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ quan trọng từ chối cung cấp. Theo đó, thời điểm Công ty E được thành lập có 02 thành viên là bà Nguyễn Thị A và bà Nguyễn Thị L. Bà A cho rằng bà L không góp vốn, không hợp tác mà ủy quyền cho bà Nguyễn Thị T chiếm đoạt con dấu và quản lý mọi công việc của công ty nên khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Đ tuyên không công nhận tư cách thành viên của bà L. Bà L đã làm đơn yêu cầu phản tố với nội dung: Không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà A, bà A không góp vốn, không tham gia hoạt động của công ty mà chỉ đứng tên trên danh nghĩa; yêu cầu không công nhận bà A là thành viên công ty và hủy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giả (vì cấp sai do không có biên bản họp thành viên công ty hợp lệ và các giấy đăng ký cũ còn hiệu lực nên bà A tự ý đi cấp lại). Xét thấy, hồ sơ các đương sự cung cấp chưa đủ cơ sở để giải quyết, ngày 28/10/2016, TAND tỉnh Đ đã ban hành Công văn đề nghị Công an tỉnh Đ trả lời. Ngày 29/11/2016, Tòa nhận được Công văn phúc đáp số 49/PC 46 với nội dung: “Vụ án tranh chấp con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giữa các thành viên Công ty E đã được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đ thụ lý giải quyết. Do vậy, yêu cầu Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đ cung cấp toàn bộ lời khai của các bên đương sự trong vụ án cho Tòa án”. Tiếp đó, TAND tỉnh Đ đã 02 lần gửi công văn yêu cầu Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đ trả lời và cung cấp chứng cứ, trong đó, quy định rõ thời hạn phải có nghĩa vụ cung cấp, trường hợp không cung cấp được phải nêu rõ lý do. Tuy nhiên, qua nhiều lần có văn bản đề nghị, câu trả lời mà Tòa án nhận được chỉ là sự “im lặng”. Sự chậm trễ, thiếu thiện chí này làm cho vụ án bị trì hoãn, kéo dài, thậm chí đã quá thời hạn giải quyết vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong tố tụng dân sự

Bên cạnh các quy định về quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập chứng cứ và chứng minh của đương sự, Điều 6, Điều 7 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn các tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ đó. Trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 1 Điều 106 BLTTDS năm 2015).

Cùng với việc quy định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của chủ thể đang lưu giữ thì pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam cũng đặt ra chế tài tương ứng nếu các chủ thể này vi phạm. Điều 495 BLTTDS năm 2015 quy định về việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ. Đối chiếu với các quy định tại Điều 498 BLTTDS năm 2015, các Điều 21, 48 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này là cảnh cáo, phạt tiền và thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt thuộc về Chánh án. Về chế tài hình sự, Điều 383 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu. Theo đó, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

Pháp luật chưa quy định thời hạn phải cung cấp chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền

✔  Khoản 2 Điều 106 BLTTDS năm 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp cho đương sự khi nhận được yêu cầu, trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do nhưng lại không quy định chế tài pháp lý nếu các chủ thể này không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hay cung cấp quá thời hạn luật định mà không có lý do chính đáng.

✔  Điều đáng nói là một khi hình thức từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chủ yếu bằng lời nói, hành vi mà không thể hiện qua bất kỳ một văn bản nào thì không có căn cứ để đương sự chứng minh cho Tòa án rằng họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể thu thập chứng cứ. Điển hình là với các thông tin, tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, các tài sản chưa được công nhận quyền sở hữu hợp pháp… thì quá trình yêu cầu xác nhận nguồn gốc, xác nhận quá trình sử dụng ổn định lâu dài… vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Trên đây là một số chia sẻ về quy định hiện hành liên quan đến trình tự yêu cầu tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp chứng chứ cho việc giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án. Luật Trí Nam nhận tư vấn trợ giúp pháp lý cho các bên trong việc đánh giá chứng cứ, cách thu thập chứng cứ và cách thực hiện thủ tục khởi kiện nhanh và hiệu quả nhất. Thông tin liên hệ dịch vụ luật sư ngay hôm nay quý vị hãy gọi 0934.345.745 - 0904.588.557.

Tham khảo: Tài liệu, thông tin nào được coi là chứng cứ tại Tòa án