Ai là nhà đầu tư nước ngoài? Công ty vốn đầu tư nước ngoài là gì?

Theo quy định tại Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.

Luật Đầu tư 2020 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp này mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 17 Điều 3 như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”

Như vậy, theo quy định này, ta có thể hiểu một cách cơ bản, doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bao gồm:

- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

- Doanh nghiệp có cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư (góp vốn thành lập, mua vốn góp).

Thời hạn góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài là bao lâu?

Luật đầu tư 2020 không quy định thời hạn góp đủ vốn đầu tư. Căn cứ vào từng hình thức đầu tư mà thời hạn góp đủ vốn được quy định như sau:

- Đối với việc góp vốn thành lập công ty thì thời hạn góp đủ vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hoặc nhà đầu tư có thể đề nghị cơ quan quản lý đầu tư cho một thời hạn dài hơn nhưng phải phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đăng ký.

- Đối với đầu tư theo hợp đồng thì thời hạn góp vốn do các bên tự thỏa thuận.

- Đối với việc góp vốn, mua cổ phần thì thời điểm góp vốn, nhận chuyển nhượng vốn đồng thời là thời điểm góp vốn. Doanh nghiệp có thể cho phép cổ đông, thành viên chậm góp vốn, hoán đổi nghĩa vụ góp vốn,... nhưng phải được thể hiện thông qua các văn bản ký kết để phục vụ cho việc hoàn thiện sổ sách kế toán doanh nghiệp.

Người nước ngoài không góp đủ vốn đúng thời hạn có sao không?

- Theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trường hợp góp vốn đầu tư theo nội dung ghi nhận trên giấy phép thì khi thực hiện thủ tục điều chỉnh GCN đầu tư công ty phải liên hệ với Phòng thanh tra – SKHĐT/BQLKCN để xin quyết định xử phạt lỗi không góp đủ vốn.

- Sau khi nhận quyết định, doanh nghiệp nộp phạt và tiến hành góp đủ vốn theo thời hạn ghi nhận tại quyết định của Phòng thanh tra hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gia hạn thời hạn góp vốn hoặc giảm vốn nếu không có khả năng góp vốn theo thời hạn ghi nhận tại quyết định của Phòng thanh tra.

- Hồ sơ xin xử phạt vi phạm hành chính do chậm góp vốn đầu tư

-  Công ty vốn đầu tư nước ngoài nộp văn bản giải trình về việc vi phạm cho Phòng thanh tra, kèm theo có các tài liệu của nhà đầu tư; chứng minh tình hình góp vốn của nhà đầu tư (sao kê tài khoản đã chuyển vốn nhưng quá hạn không chuyển được); và các tài liệu khác theo yêu cầu của Phòng thanh tra.

- Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày. (Kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính).

- Mức phạt phạt vi phạm hành chính do chậm góp vốn:

Theo Điều 13, Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về Vi phạm các quy định về hoạt động đầu tư tại Việt Nam: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;

- Không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư;

- Giãn tiến độ thực hiện dự án, giãn tiến độ đầu tư nhưng không đề xuất bằng văn bản với cơ quan đăng ký đầu tư hoặc có thông báo nhưng chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư;

Căn cứ theo hồ sơ giải trình và xem xét nội dung vi phạm, cơ quan thanh tra sẽ ra quyết định mức phạt phù hợp.

Có được gia hạn thời hạn góp vốn không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu quá hạn góp vốn đầu tư doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục gia hạn góp vốn.

Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục gia hạn góp vốn, bao gồm:

- Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- Giải trình nội dung và lý do điều chỉnh dự án;

- Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư; Báo cáo đầu tư;

- Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư.

Lưu ý: Đối với dự án thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư, khi điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến mục tiêu; địa điểm đầu tư; công nghệ chính; tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư; thời hạn thực hiện; thay đổi nhà đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tuy nhiên, trường hợp điều chỉnh thời hạn góp vốn (không phải thời hạn thực hiện dự án); thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; mà chỉ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tư vấn quy định về góp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?

Quy định về góp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được cụ thể hóa trong Luật Đầu tư năm 2020 và Luật doanh nghiệp năm 2020 kèm các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hình thức góp vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần thông qua việc mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

- Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn thông qua việc mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

- Góp vốn vào công ty hợp danh thông qua việc mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

- Góp vốn vào công ty Việt Nam theo hình thức khác.

Nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại công ty 100% vốn Việt Nam.

Điều kiện nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam

- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam phải tuân thủ hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty Việt Nam không hạn chế trừ các trường hợp như sau:

- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không phải là công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty Việt Nam trong các trường hợp sau:

- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty Việt Nam hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;

- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của công ty Việt Nam.

Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty Việt Nam

Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;

Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

Trình tự đăng ký góp vốn, mua cổ phần gồm 2 bước:

- Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính làm thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào Công ty 100% vốn Việt Nam.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ

Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

- Bước 2: Sau khi có chấp thuận của Phòng Đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) theo quy định của pháp luật tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.