Kiểm soát doanh nghiệp thông qua các chức vụ quản lý

Căn cứ theo Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về người quản lý công ty cổ phần gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty như: Người đại diện theo pháp luật thứ hai trở đi giữ chức danh Giám đốc điều hành, phó giám đốc,...

Khi đó kiểm soát quyền bổ nhiệm, quyết định bổ nhiệm các chức danh này cũng đồng thời với việc chi phối công ty cổ phần trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Tham khảo: Người quản lý doanh nghiệp là những chức vụ gì?

Quy trình bổ nhiệm các chức danh quản lý trong công ty cổ phần

✔ Bầu chủ tịch hội đồng quản trị

Căn cứ Khoản 1 Điều 156 Luật doanh nghiệp 2020 thì: Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị.

✔ Bầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát

Căn cứ Khoản 2 Điều 138 Luật doanh nghiệp 2020 thì: Đại hội đồng cổ đông có quyền Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

✔ Bổ nhiệm Giám đốc, Tổng giám đốc

Căn cứ Khoản 1 Điều 162 Luật doanh nghiệp 2020 thì: Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Như vậy việc kiểm soát công ty cổ phần thông qua các chức danh quản lý sẽ phải dựa trên việc chi phối quyền quyết định trong đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị công ty.

Dịch vụ hữu ích: Thay đổi giám đốc công ty

Chi phối đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị thông qua tỷ lệ % cổ phần sở hữu như thế nào?

✔ Chúng ta đều biết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Cơ quan này sẽ bầu ra các thành viên Hội đồng quản trị (gọi tắt là “HĐQT”) và thành viên Ban kiểm soát (nếu có) để thay mặt các cổ đông điều hành và kiểm soát công ty. Do vậy, nếu cổ đông nào nắm giữ tỷ lệ sở hữu cổ phần trong công ty càng nhiều thì quyền lực càng lớn bởi vì có thể chi phối đến các quyết định của ĐHĐCĐ trong công ty cổ phần.

✔ Chính vì vậy, việc nắm giữ tỷ lệ % sở hữu cổ phần trong công ty càng nhiều thì càng tốt và đây là cách thức chi phối quan trọng và tối ưu nhất. Bởi vì theo quy định tại Điều 148 của Luật doanh nghiệp 2020, thì đã quy định rất rõ các mức tỷ lệ cụ thể để ĐHĐCĐ thông qua các quyết định của cơ quan này và công ty là:

  • Từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành khi biểu quyết tại cuộc họp thuộc các vấn đề nêu tại Khoản 1 Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020;
  • Từ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành khi biểu quyết tại cuộc họp thuộc các vấn đề nêu tại Khoản 2 Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020;
  • Còn trường hợp ĐHĐCĐ biểu quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành.

✔ Như vậy rõ ràng về mặt con số và tỷ lệ sở hữu cổ phần thì sở hữu càng nhiều thì càng thuận lợi, nhưng có 02 mức tỷ lệ mà các cổ đông/nhóm cổ đông phải nên cân nhắc để sở hữu là ở mức từ 65% trở lên hoặc ở mức trên 50% vốn điều lệ nếu không đạt được mức 65% để có thể thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.

✔ Vậy câu hỏi đặt ra tiếp là “nếu cũng không đạt được mức trên 50% vốn điều lệ, thì đạt được mức nào là tốt?” câu trả lời là nên sở hữu để đạt ở mức từ 35% vốn điều lệ trở lên (tức 35,1% trở lên). Bởi vì nếu cổ đông/nhóm cổ đông nào sở hữu tỷ lệ đạt 35,1% vốn điều lệ trở lên, thì cổ đông/nhóm cổ đông đó có quyền phủ quyết (tức không thông qua) những vấn đề/nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thuộc Khoản 1 Điều 148 LDN, cụ thể như phủ quyết các vấn đề gồm: Thay đổi ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty, không thông qua dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản của Công ty, phủ quyết tổ chức lại, giải thể công ty và loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại. Do đó, nếu ĐHĐCĐ muốn thông qua các vấn đề này, thì không còn cách nào khác là các cổ đông/nhóm cổ đông trong công ty phải thương lượng và thỏa thuận để giải quyết với nhau.

✔ Quyền lực của mỗi cổ đông được thể hiện bằng quyền biểu quyết dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần đã mua của mỗi cổ đông trên tổng vốn điều lệ của công ty. Do vậy, quyền sinh và quyền sát của mỗi cổ đông/nhóm cổ đông để chi phối được công ty cổ phần là phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ theo các mức nêu trên.

Trên đây là một số tư vấn của Luật sư Trí Nam về tỷ lệ % cổ phần và vấn đề kiểm soát hoạt động của công ty cổ phần. Hy vọng các chia sẻ hữu ích với mọi người.

Tham khảo: Thành lập công ty trọn gói tại Hà Nội