Hướng dẫn kê khai thuế GTGT, kê khai thuế điện tử
Doanh nghiệp, chi nhánh có nghĩa vụ kê khai thuế GTGT theo thời hạn nếu không sẽ bị xử phạt, thời hạn hoàn thành kê khai thuế được Luật quản lý thuế 2019 quy định chi tiết dưới đây.
Kê khai thuế cần những gì?
Theo quy định hiện hành hình thức kê khai thuế điện tử được khuyến khích lựa chọn để thực hiện việc kê khai tất cả các loại thuế trong đó có bao gồm thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT) được hướng dẫn trong bài viết này. Theo đó ngoại trừ các đơn vị mới thành lập chưa kịp đăng ký khai thuế điện tử sẽ được linh động chấp nhận nộp tờ khai thuế trực tiếp, các trường hợp còn lại để kê khai thuế doanh nghiệp, chi nhánh cần những công cụ sau:
- Mua chữ ký số (token, chứng thư số) và đăng ký sử dụng chữ ký số trong việc kê khai thuế của doanh nghiệp, chi nhánh.
- Mở tài khoản ngân hàng và đăng ký nộp thuế điện tử nếu đơn vị có phát sinh nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
- Chuẩn bị các công cụ, dụng cụ hỗ trợ kê khai thuế điện tử như: Phần mềm HTKK được Tổng cục thuế cho sử dụng; Phần mềm kế toán (Nếu cần); Nhân sự phụ trách đẩy tờ khai thuế điện tử.
Hướng dẫn lập tờ khai thuế GTGT đúng quy định
Hiện có năm loại tờ khai thuế GTGT và đều được tích hợp trong hệ thống kê khai thuế điện tử HTKK bao gồm tờ khai thuế GTGT mẫu 01 -> 05/GTGT. Bạn lựa chọn loại tờ khai thuế như sau:
Trường hợp sử dụng tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT gồm:
1. Người nộp thuế tính thuế theo phương pháp khấu trừ có hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh cùng tỉnh với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính) nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2. Người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc trực tiếp bán hàng, sử dụng hoá đơn do đơn vị phụ thuộc đăng ký hoặc do người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc, theo dõi hạch toán đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu ra, đầu vào thì đơn vị phụ thuộc thực hiện khai thuế giá trị gia tăng, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị phụ thuộc.
3. Người nộp thuế có hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và nộp thuế GTGT cho cơ quan thuế nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản (trừ hoạt động kinh doanh bất động sản vãng lai theo quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC).
4. Người nộp thuế có nhà máy sản xuất điện trên cùng địa bàn nơi đóng trụ sở chính của người nộp thuế thì người nộp thuế thực hiện khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất điện cùng hồ sơ khai thuế GTGT của hoạt động kinh doanh khác tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính.
Trường hợp người nộp thuế có nhà máy sản xuất điện tại tỉnh khác nơi đóng trụ sở chính của người nộp thuế thì người nộp thuế thực hiện khai thuế GTGT tại nơi có nhà máy sản xuất điện.
5. Người nộp thuế có nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh thì người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng phát sinh của nhà máy thủy điện và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế nơi có văn phòng điều hành nhà máy thủy điện, nộp số tiền thuế phân bổ cho tỉnh nơi có nhà máy thủy điện.
6. Người nộp thuế có có nhiều hoạt động kinh doanh trong đó có xổ số điện toán, xổ số kiến thiết thì phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho hoạt động xổ số điện toán, xổ số kiến thiết. Người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng tập trung cho hoạt động kinh doanh xổ số điện toán trên toàn quốc và nộp hồ sơ khai thuế của hoạt động kinh doanh xổ số điện toán cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh xổ số điện toán.
7. Người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất tại tỉnh khác với nơi đóng trụ sở chính thì người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng phát sinh của cơ sở sản xuất cùng với các hoạt động kinh doanh khác và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nộp số tiền thuế phân bổ cho tỉnh nơi có cơ sở sản xuất.
8. Người nộp thuế được giao quản lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ chức nhưng không thành lập pháp nhân riêng thì thực hiện khai thuế GTGT riêng đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trường hợp sử dụng tờ khai thuế GTGT mẫu 02/GTGT gồm:
1. Người nộp thuế thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đang hoạt động có dự án đầu tư thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính thì phải lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng riêng cho từng dự án đầu tư và nộp hồ sơ khai thuế cho Cục Thuế nơi có dự án đầu tư.
2. Trường hợp Chủ dự án đầu tư giao Ban quản lý dự án và Chi nhánh tại địa phương cấp tỉnh khác địa phương nơi Chủ dự án đầu tư đóng trụ sở chính thay mặt Chủ dự án đầu tư trực tiếp quản lý một hoặc nhiều dự án đầu tư tại nhiều địa phương thì Ban quản lý dự án và Chi nhánh phải lập hồ sơ khai thuế riêng đối với từng dự án đầu tư nộp cho cơ quan thuế nơi có dự án đầu tư và phải bù trừ số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư với số thuế GTGT phải nộp của tất cả các hoạt động kinh doanh cùng kỳ tính thuế của Chủ dự án đầu tư.
Trường hợp sử dụng tờ khai thuế GTGT mẫu 03/GTGT gồm:
Người nộp thuế có hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng.
Trường hợp sử dụng tờ khai thuế GTGT mẫu 04/GTGT gồm:
1. Người nộp thuế tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
2. Người nộp thuế có khoản thu hộ thuế GTGT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Trường hợp sử dụng tờ khai thuế GTGT mẫu 05/GTGT gồm:
1. Người nộp thuế thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính (trừ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế tại tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng theo mẫu số 05/GTGT; nộp tiền thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng.
2. Người nộp thuế thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ là nhà thầu xây dựng (nhà thầu chính, nhà thầu phụ), ký hợp đồng (phụ lục hợp đồng) trực tiếp với chủ đầu tư để thi công công trình xây dựng (hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế quốc dân và quy định của pháp luật chuyên ngành) tại địa bàn khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính (bao gồm cả công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh) thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và nộp thuế giá trị gia tăng của các công trình, hạng mục công trình đó với cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng theo mẫu số 05/GTGT.
Hướng dẫn kê khai thuế điện tử với tờ khai thuế GTGT
- Bước 1: Doanh nghiệp, chi nhánh mua chữ ký số --> Đăng ký tài khoản kê khai thuế điện tử trên thuedientu.gdt.gov.vn
- Bước 2: Đối tượng kê khai thuế GTGT lập tờ khai thuế theo đúng mẫu --> Truy cập trang thuedientu chọn Doanh nghiệp --> Đăng nhập vào tài khoản thuế điện tử của doanh nghiệp, chi nhánh trên trang thuedientu
- Bước 3: Chọn “Khai thuế” --> “Đăng ký tờ khai” --> Chọn tờ khai thuế 01/GTGT --> Chọn “Đăng ký thêm tờ khai”
- Bước 4: Chọn “Khai thuế” --> “Nộp tờ khai XML” --> “Chọn tệp tờ khai” để tải tờ khai từ máy tính lên --> Chọn “Ký điện tử” --> Chọn “Nộp tờ khai”
Sau khi hoàn thành việc nộp tờ khai bạn nên kiểm tra lại email xem đã có thông báo tiếp nhận tờ khai thuế điện tử từ cơ quan thuế chưa? Hoặc Tra cứu các loại tờ khai thuế đã nộp trên trang thuedientu xem đã có tờ khai mình vừa khai nộp chưa?
Hướng dẫn kê khai thuế GTGT cho doanh nghiệp mới thành lập
Xác định kỳ kê khai thuế GTGT cho doanh nghiệp mới thành lập
Căn cứ điểm a, khoản 1, Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định:
“Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.”
Doanh nghiệp thực hiện kê khai theo tháng khi tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề (đủ 12 tháng) từ 50 tỷ đồng trở lên.
Phương thức nộp hồ sơ kê khai thuế GTGT cho doanh nghiệp mới thành lập
Trường hợp doanh nghiệp sau khi hoàn thành thủ tục thành lập doanh nghiệp đã phát sinh nghĩa vụ kê khai thuế thì được lựa chọn một trong hai phương thức sau:
- Cách 1: Nộp trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
- Cách 2: Nộp thuế điện tử như hướng dẫn Luật Trí Nam đã chia sẻ ở trên.
Hướng dẫn kê khai thuế GTGT cho chi nhánh hoạch toán độc lập
Chi nhánh hoạch toán độc lập là gì?
Theo luật doanh nghiệp 2020 quy định: Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của Doanh nghiệp, kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền. Chi nhánh được thực hiện chức năng kinh doanh với ngành nghề phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, chi nhánh chỉ là đơn vị phụ thuộc trụ sở chính của doanh nghiệp. Mặc dù được thành lập hợp pháp và có con dấu riêng, tài khoản riêng nhưng chưa độc lập về tài sản, phải nhân danh trụ sở chính tham gia quan hệ pháp luật nên chi nhánh không có tư cách pháp nhân.
Chi nhánh hạch toán độc lập là một tổ chức kinh tế có quyền tự chủ kinh doanh, tự chủ tài chính: Có tài khoản riêng, có hóa đơn GTGT,…
Kê khai thuế GTGT cho chi nhánh hoạch toán độc lập thế nào
Doanh nghiệp phải chọn phương pháp tính thuế của chi nhánh và đăng ký với cơ quan quản lý thuế của chi nhánh. Căn cứ vào phương pháp tính thuế để lựa chọn tờ khai thuế GTGT theo mẫu phù hợp.
Quy định về kê khai thuế GTGT cho chi nhánh hoạch toán độc lập tương tự như áp dụng cho doanh nghiệp theo hướng dẫn của Luật Trí Nam ở phần trên.
Trên đây là hướng dẫn của Luật Trí Nam về kê khai thuế GTGT theo hình thức khai thuế điện tử để Quý khách hàng tham khảo. Hy vọng các hướng dẫn sẽ giúp ích cho Quý vị trong việc áp dụng pháp luật.
Nổi bật