Bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính
Chương trình máy tính là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo điểm m khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ. Luật Trí Nam chia sẻ hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính để mọi người tham khảo và áp dụng trong thực tiễn.
Quyền tác giả đối với chương trình máy tính được quy định tại Điều 17 Nghị định 22/2018/NĐ-CP bao gồm quyền nhân thân đối với chương trình máy tính và quyền sở hữu thông qua việc sử dụng, phát triển, thay đổi sản phẩm.
“Điều 17. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính
1. Tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
2. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.
3. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo chương trình máy tính có thể thỏa thuận về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính.
4. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm một bản sao dự phòng, để thay thế khi bản sao đó bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng được.”
Bảo vệ quyền tác giả chương trình máy tính
Tác giả, chủ sở hữu chương trình máy tính được sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu chương trình máy tính theo Điều 9 Nghị định 22/2018/NĐ-CP, trong đó bao gồm nhưng không giới hạn bởi hành vi sau:
- Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm bản quyền.
- Yêu cầu bên vi phạm bản quyền chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và đền bù thiệt hại.
- Kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm bản quyền cấu thành tội phạm theo Bộ luật dân sự 2015.
"Điều 9. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan."
Hình thức bảo hộ quyền tác giả chương trình máy tính
Theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, hình thức bảo hộ quyền tác giả được ghi nhận tại khoản 1 Điều 22:
“Điều 22. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
1. Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
2. Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác.
Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó.”
Như vậy, Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Vì vậy, khi có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho chương trình máy tính chủ sở hữu liên hệ Cục bản quyền tác giả để tiến hành đăng ký bảo hộ theo quy định.
Thời điểm xác lập quyền sở hữu chương trình máy tính
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ quy định như sau:
“Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Theo đó, thời điểm để căn cứ phát sinh, xác lập bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính là kể từ lúc chương trình đó được định hình dưới một dạng vật chất nhất định mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ và không cần phải tiến hành bất kỳ một thủ tục công bố hay đăng ký bảo hộ nào.
Trên đây là một số phân tích của Luật sư công ty Luật Trí Nam về bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Chúng tôi chuyên dịch vụ đăng ký quyền tác giả cho chương trình máy tính, phần mềm, app di động, website đảm bảo thời gian nhanh, tư vấn uy tín, chuyên nghiệp.
Vì vậy ngay hôm nay Quý khách hàng có nhu cầu tin dùng dịch vụ liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn.
Nổi bật: Thủ tục đăng ký quyền tác giả chương trình máy tính