Tỷ lệ đóng BHXH của công chức, viên chức [Mới nhất]
Năm 2023, tỷ lệ đóng BHXH của cán bộ, công chức là 9,5% còn viên chức là 10,5% căn cứ theo các quy định pháp luật mới nhất về bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới đây.
Mức đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức
- Tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc 2023 của cán bộ, công chức đóng 8% vào quỹ hưu trí tử tuất; 1,5% vào quỹ BHYT.
- Tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc 2023 của viên chức đóng 8% vào quỹ hưu trí tử tuất; 1,5% vào quỹ BHYT và 1% tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, tổng cộng tỷ lệ đóng BHXH của cán bộ, công chức là 9,5% còn viên chức là 10,5%.
Ví dụ cách tính số tiền đóng BHXH của công chức
Công chức loại A1 có hệ số lương là 3.00. Từ ngày 01/7/2023, áp dụng lương cơ sở mới (1.800.000 đồng) nên tiền lương của công chức này là 5.400.000 đồng.
-> Mức đóng BHXH của công chức = 5.400.000đ X 9,5% = 513.000đ
Về tiền lương tháng đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức
Cán bộ, công chức là những người hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nên theo Khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hằng tháng của cán bộ được xác định như sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH của cán bộ, công chức = Tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm + Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có)
Trong đó:
- Tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm = Hệ số lương x Mức lương cơ sở;
- Tiền lương tháng đóng BHXH tối đa của cán bộ, công chức = 20 x Mức lương cơ sở;
- Người nào có thu nhập tính đóng BHXH cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì cũng chỉ tính đóng BHXH theo mức lương tối đa là 20 lần mức lương cơ sở.
Hiện nay khi mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP nên tiền lương tháng tính đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng theo.
Do tăng tiền lương tháng tính đóng BHXH nên mức đóng BHXH của cán bộ, công chức, viên chức từ ngày cũng sẽ tăng theo.
Công chức, viên chức là những ai?
- Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008). Ví dụ cán bộ gồm: Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện,...
- Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008). Ví dụ: Kiểm sát viên viện kiểm sát các cấp, Thẩm phán tòa án các cấp, ...
- Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Điều 2 Luật viên chức 2010) Ví dụ: Giảng viên các trường đại học,…
Tham khảo:
+ Phân biệt công chức và viên chức