Thủ tục yêu cầu phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ là biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 11 Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự trong việc bảo vệ tài sản, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Ví dụ:Trong vụ án ly hôn, người vợ đứng tên sổ tiết kiệm tại ngân hàng, người chồng yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng.
Hoặc A là nguyên đơn, yêu cầu Tòa án buộc B phải trả cho A 1.000.000.000 đồng tiền vay, để bảo đảm cho việc thi hành án nên A yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản thuộc quyền sở hữu của B là ngôi nhà X trị giá 900.000.000 đồng.
Tham khảo: Thủ tục khởi kiện đòi nợ
QUY TRÌNH YÊU CẦU TÒA ÁN PHONG TỎA TÀI SẢN KHI KHỞI KIỆN
Bước 1: Người yêu cầu phong tỏa tài sản gửi Đơn yêu cầu tới Tòa án để được giải quyết
- Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời song song với thủ tục nộp hồ sơ khởi kiện thì trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo để xác định yêu cầu khởi kiện có thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án đã nhận đơn hay không. Trường hợp yêu cầu khởi kiện thuộc thẩm quyền thì tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Nghị quyết này. Trường hợp yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền thì trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các chứng cứ kèm theo cho họ (Khoản 2 Điều 11 Nghị quyết 02/2020).
- Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án, tùy từng trường hợp mà Hội đồng xét xử giải quyết như sau:
- Nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Nếu có căn cứ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Nếu tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 của Bộ luật Tố tụng dân sự trong thời hạn 02 ngày làm việc và đề nghị người yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ;
- Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay cho người yêu cầu tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
(Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 02/2020)
Bước 2: Trong vòng 02 ngày làm việc người có nghĩa vụ thực hiện biện pháp bảo đảm theo thông báo của Tòa án phải hoàn thành việc ký quỹ
Về nguyên tắc chung, khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nhiều ngân hàng, thì người phải thực hiện biện pháp bảo đảm được lựa chọn một ngân hàng trong số các ngân hàng đó và thông báo tên, địa chỉ của ngân hàng mà mình lựa chọn cho Tòa án biết để ra quyết định thực hiện biện pháp bảo đảm.
Trường hợp người phải thực hiện biện pháp bảo đảm có tài khoản hoặc có khoản tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà họ đề nghị Tòa án phong tỏa một phần tài khoản hoặc một phần tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá gửi tại ngân hàng đó tương đương với nghĩa vụ tài sản của họ thì Tòa án chấp nhận.
(Khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 02/2020)
Bước 3: Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ.
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ sẽ được Tòa án gửi sang cơ quan thi hành án cùng cấp để thực hiện việc phong tỏa tài sản.
Tham khảo: Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP
ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI PHONG TỎA TÀI SẢN
Theo quy định tại Điều 126 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc cho việc thi hành án.
Ví dụ: A khởi kiện đến Tòa án yêu cầu B trả nợ tiền mua bán máy móc theo hợp đồng đã ký. Trong quá trình giải quyết vụ án, A biết B đang dự kiến bán lại dây chuyền máy móc này cho bên khác. Khi đó để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, A có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài sản là máy móc của B để đảm bảo tài sản không bị tẩu tán trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp đương sự có yêu cầu Tòa án đều áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, ngay cả trong trường hợp việc yêu cầu là có căn cứ. Vì theo quy định tại khoản 4 Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án chỉ được phong tỏa tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Theo nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP thì:
✔ Tòa án chỉ được phong tỏa tài khoản, tài sản có giá trị bằng hoặc thấp hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản, tài sản bị phong tỏa. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tài sản và tài khoản cần phong tỏa. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và quy định pháp luật liên quan để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
✔ Trường hợp tài sản bị yêu cầu phong tỏa là tài sản không thể phân chia được (không thể phong tỏa một phần tài sản) có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, Tòa án giải thích cho người yêu cầu biết để họ làm đơn yêu cầu áp dụng phong tỏa tài sản khác hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác. Nếu họ vẫn giữ nguyên đơn yêu cầu, Tòa án căn cứ vào khoản 4 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ.
Ví dụ về tài sản không thể phân chia như xe Ô tô, Dây chuyền máy móc đồng bộ;
Theo Luật Trí Nam trường hợp này mặc dù người có nghĩa vụ có dấu hiệu tẩu tán tài sản và việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là có căn cứ nhưng nếu tài sản không thể phân chia và có giá trị lớn hơn nghĩa vụ phải thực hiện thì Tòa án cũng không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ. Vấn đề đặt ra, nếu người có nghĩa vụ không có tài sản khác và không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà Tòa án không áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản đó thì người có nghĩa vụ dễ dàng tẩu tán tài sản dẫn đến không còn tài sản để đảm bảo thi hành án. Thực tiễn kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự cũng có rất nhiều trường hợp người khởi kiện có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài sản có giá trị của người có nghĩa vụ như là xe ô tô, quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất…, nhưng những tài sản trên có giá trị cao hơn nghĩa vụ tài sản của người có nghĩa vụ và không thể phân chia nên Tòa án không thể áp dụng biện pháp phong tỏa tải sản dẫn đến trường hợp người có nghĩa vụ khi thấy bị khởi kiện thì chuyển nhượng tài sản cho người khác để trốn tránh nghĩa vụ. Mặc dù bản án tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện nhưng thực tế không thể thi hành vì người có nghĩa vụ đã tẩu tán hết tài sản, không còn tài sản để thi hành án.
Công ty Luật Trí Nam nhận dịch vụ luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ trong việc giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự, đất đai, thu hồi nợ,... Chúng tôi là các luật sư dày kinh nghiệm đảm bảo luôn có cách thức để vừa đảm bảo lợi thế khi khởi kiện, vừa đảm bảo có thể thi hành án bản án của Tòa án sau khi khởi kiện. Quý vị cần liên hệ dịch vụ liên hệ ngay Luật sư theo thông tin:
CÔNG TY LUẬT TRÍ NAM
Điện thoại: 0904.588.557
Email: hanoi@luattrinam.vn
Chúng tôi rất mong được đồng hành với Quý khách hàng trong công việc !