Điều kiện chuyển nhượng đất nông nghiệp thế nào?
Trường hợp nào không được chuyển nhượng đất nông nghiệp? Hướng dẫn quy định mới về mua bán đất nông nghiệp, đất ruộng của hộ gia đình, cá nhân cho cá nhân, tổ chức khác và làm rõ việc “có được bán đất nông nghiệp cho cá nhân, tổ chức ở địa phương khác không?”
Điều kiện chuyển nhượng đất nông nghiệp
Theo khoản 1, khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 (Luật Đất đai), người sử dụng đất được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Trường hợp hạn chế, cấm nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp
✔ Tại khoản 3, khoản 4 Điều 191 Luật Đất đai quy định các trường hợp không được nhận chuyển quyền đất nông nghiệp gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
✔ Theo Điều 130 Luật Đất đai và quy định chi tiết tại Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được áp dụng đối với hình thức nhận chuyển nhượng như sau:
- Đất trồng cây hàng năm: Không quá 30 héc ta đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Không quá 20 héc ta đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
- Đất trồng cây lâu năm: Không quá 100 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
- Đất rừng sản xuất là rừng trồng: Không quá 150 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
✔ Căn cứ Điều 191 Luật đất đai thì Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, gồm:
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tối đa?
Khi nhận chuyển nhượng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối, bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 44, Nghị định 43/2014/NĐ-CP: “Không quá 30 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Không quá 20 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
Người mua đất trồng lúa cần lưu ý những điểm gì?
Theo hai nội dung Luật sư vừa hướng dẫn thì người mua đất trồng lúa cần đảm bảo: (i) Hạn mức nhận chuyển nhượng trong giới hạn cho phép. (ii) Mục đích sử dụng đất là trực tiếp sản xuất.
Thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp
Khi mua bán đất nông nghiệp hai bên tiến hành ký kết và công chứng/ chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giống như bình thường. Hai bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đến tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh nơi có đất yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hồ sơ yêu cầu công chứng (1 bộ) gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng (theo mẫu);
- Dự thảo hợp đồng (nếu có);
- Bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng; Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng mà pháp luật quy định phải có.
Sau đó, nộp hồ sơ đăng ký biến động và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Cụ thể, theo quy định tại Điều 79, Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
1. Người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với chuyển nhượng đất nông nghiệp gồm:
- Đơn xin đăng ký biến động quyền sử dụng đất (theo mẫu);
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có công chứng);
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Chứng minh nhân dân của bên chuyển nhượng và bên chuyển nhượng;
- Tờ khai lệ phí trước bạ;
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất, người sử dụng đất đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
2. Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
- Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
4. Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Trên đây là một số nội dung tư vấn của Luật sư Trí Nam. Chúc các bạn thành công!
Tham khảo: