Luật cư trú 2020 mới nhất (Số 68/2020/QH14)
Luật cư trú số 68/2020/QH14 (Luật cú trú 2020) giúp đơn giản thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, xóa thường trú, tách hộ cho công dân. Tham khảo chi tiết nội dung của Luật cư trú để áp dụng ngay hôm nay.
Hiệu lực của luật cư trú 2020
- Luật cư trú số 68/2020/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
- Luật Cư trú số 81/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
- Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
- Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
- Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
- Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
- Ngoài ra Luật cư trú 2020:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 của Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 2 của Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 46/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14.
- Bãi bỏ khoản 3 và khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
- Bãi bỏ điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12.
Tải Luật cư trú mới nhất 2023 (.doc)
Tra cứu nội dung luật cư trú
1. Đổi mới về phương thức quản lý cư trú
Từ ngày 01/7/2021, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hoá, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật cư trú năm 2020 thì mọi thông tin về cư trú sẽ phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 38 Luật này quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31/12/ 2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Đồng thời, nếu công dân đăng ký, khai báo cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì thu hồi sổ đã cấp, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân thuận tiện hơn chứng khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự, bằng cách chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
2. Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú
Theo quy định tại Điều 7 Luật cư trú năm 2020, thêm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú gồm:
- Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật. (Luật cũ không có quy định này)
- Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú.
(Luật cũ quy định cấm Thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác có liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú)
- Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. (Luật cũ không có quy định này)
3. Bổ sung thêm quyền của công dân về cư trú
Điều 8 Luật cư trú 2020 đã bổ sung thêm 03 quyền của công dân về cư trú có liên quan đến việc thay đổi phương thức quản lý cư trú, đó là:
- Được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
- Được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu.
- Được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu.
4. Bổ sung thêm trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú
Mặc dù công dân có quyền tự do cư trú nhưng trong các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú năm 2020, công dân sẽ bị hạn chế quyền này:
- Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam;
- Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;
- Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách;
- Người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ;
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách (mới)
- Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (mới);
- Người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;
- Người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng (mới).
- Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng (mới).
- Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh; địa bàn có tình trạng khẩn cấp; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ (mới).
- Các trường hợp khác theo quy định của luật (mới).
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc bổ sung thêm những trường hợp bị hạn chế cư trú liên quan đến dịch bệnh là hoàn toàn hợp lý.
5. Bổ sung quy định mới về nơi cư trú của một số đối tượng đặc biệt
Đó là các quy định tại Điều 17,18,19 Luật cư trú năm 2020
Cụ thể, Điều 19 Luật Cư trú 2020 quy định nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó. Nếu không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người này sinh sống thực tế.
Điểm đáng chú ý là Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú vẫn phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại. Đây là quy định hoàn toàn mới, chưa từng được ghi nhận trong Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2013. Đồng thời, Luật 2020 cũng bổ sung nơi cư trú của một số đối tượng khác như:
- Người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
- Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội.
- Người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng.
6. Bỏ điều kiện riêng khi đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
Đây là một điểm mới quan trọng của Luật cư trú năm 2020. Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì cũng giống như đăng ký vào các tỉnh khác, không bị phân biệt và thống nhất trên phạm vi toàn lãnh thổ.
Cụ thể, tại Điều 20 Luật cư trú năm 2020 quy định “Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.” Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/vợ; con đẻ, con nuôi về ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi và ngược lại…
Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp. Đây là cũng là tin vui cho những người đang sinh sống và làm việc lâu năm mong muốn có hộ khẩu tại 02 thành phố lớn của cả nước đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Bổ sung thêm điều kiện đăng ký thường trú về diện tích nhà thuê không thấp hơn 08 m2 sàn/người
Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật cư trú năm 2020 thì công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;
- Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.
Quy định này nhằm bảo đảm điều kiện sống cho người dân và phù hợp với điều kiện của đa số tỉnh, thành.
8. Giảm thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thường trú
Do sử dụng phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian. Theo quy định Luật cũ, thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày còn theo Luật hiện hành tối đa là 7 ngày làm việc (Khoản 3 Điều 22).
9. Bỏ nhiều thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu
Bởi theo Luật Cư trú này, từ ngày 01/7/2021 không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên hàng loạt những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật này. Cụ thể:
- Tách sổ hộ khẩu. Thay vào đó sẽ cập nhật, điều chỉnh thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin này;
- Điều chỉnh thay đổi thông tin về cư trú: Rà soát, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú… khi đủ điều kiện thì làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú…
10. Bổ sung thêm trường hợp bị xóa đăng ký thường trú
Ngoài các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như trước đây, xuất phát từ thực tiễn và để nâng cao hiệu quả quản lý về cư trú, nắm đúng thực tế số hộ, số người thường trú trên địa bàn, phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú tại Điều 24, như sau:
- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này;
- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở là do được thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa;
- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
11. Bổ sung trường hợp phải khai báo tạm vắng
Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú. So với quy định cũ thì từ 01/07/2021, bổ sung thêm trường hợp công dân phải khai báo tạm vắng: “Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.”
Như vậy, khi đi khỏi xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không phải bị can, bị cáo đi khỏi nơi cư trú 01 ngày trở lên, người đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đi khỏi huyện từ 03 tháng liên tục trở lên… và chưa đăng ký tạm trú ở nơi ở mới hoặc không phải xuất cảnh ra nước ngoài thì phải khai báo tạm vắng.
Trên đây là tổng hợp điểm mới của Luật Cư trú ảnh hưởng đến mọi người dân từ 01/7/2021. Những thay đổi nói trên là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí, đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Dịch vụ hữu ích: