Công chức, viên chức là gì?

Công chức, viên chức là những thuật ngữ cơ bản của chế độ công vụ, thường xuyên xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khái niệm công chức, viên chức được quy định chi tiết trong luật như sau:

  • Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008). Ví dụ: Kiểm sát viên viện kiểm sát các cấp, Thẩm phán tòa án các cấp, ...
  • Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Điều 2 Luật viên chức 2010). Ví dụ: Giảng viên các trường đại học, ...

Phân loại công chức bao gồm:

Công chức có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau tuỳ thuộc vào mục đích phân loại. ở Việt Nam có một số cách phân loại cơ bản sau:

1. Căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân thành loại 4 loại:

  • Công chức Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
  • Công chức Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
  • Công chức Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
  • Công chức Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.

2. Căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:

  • Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
  • Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Ngoài ra, công chức còn có thể được phân loại theo trình độ đào tạo (sau đại học, đại học, trung học,...) hoặc theo hệ thống cơ cấu tổ chức, gồm:

  • Công chức làm việc ở cơ quan, tổ chức ở Trung ương;
  • Công chức làm việc ở cơ quan, tổ chức cấp tỉnh;
  • Công chức làm việc ở cơ quan, tổ chức cấp huyện;
  • Công chức làm việc ở cơ quan, tổ chức cấp xã.

Công vụ là gì?

Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước do cán bộ, công chức tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ lợi ích nhà nước, nhân dân và xã hội. Tuy nhiên trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, do đặc thù về thể chế chính trị nên công vụ còn bao gồm cả hoạt động thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.

1. Một số đặc điểm và tính chất của công vụ:

  • Mục đích của công vụ là phục vụ lợi ích nhà nước, nhân dân và xã hội;
  • Nội dung hoạt động công vụ bao gồm các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong lãnh đạo, quản lý và tham gia quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời tổ chức cung ứng và phục vụ các nhu cầu chung của xã hội, của nhân dân không vì mục đích lợi nhuận.
  • Chủ thể thực thi công vụ là cán bộ, công chức.
  • Hoạt động công vụ không chỉ thuần tuý mang tính quyền lực nhà nước, mà còn bao gồm cả hoạt động của các tổ chức do nhà nước thành lập (được nhà nước uỷ quyền) để phục vụ các nhu cầu của nhân dân. Các hoạt động này đều do cán bộ, công chức nhân danh nhà nước tiến hành. Bao gồm các hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước và các hoạt động của các tổ chức được nhà nước uỷ quyền. ở các nước trên thế giới, khi đề cập đến công vụ, người ta ít nói đến yếu tố quyền lực nhà nước mà thường chỉ nói tới công chức nhân danh pháp luật hoặc nhân danh nhà nước mà thôi. Bởi lẽ, pháp luật là công cụ chính, chủ yếu do nhà nước ban hành. Ngoài ra, ở Việt Nam do đặc thù về thể chế chính trị nên hoạt động công vụ còn bao gồm cả hoạt động của cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội.
  • Công vụ được tiến hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Nhà nước giao và tuân theo pháp luật.
  • Hoạt động công vụ mang tính thường xuyên, chuyên nghiệp.

2. Hoạt động công vụ nhằm các mục tiêu sau:

  • Phục vụ nhà nước;
  • Phục vụ nhân dân;
  • Không có mục đích riêng của mình;
  • Mang tính xã hội cao vì phục vụ nhiều người;
  • Duy trì an ninh, an toàn trật tự xã hội;
  • Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển;
  • Không vì lợi nhuận.

3. Các nguồn lực để thực hiện hoạt động công vụ:

  • Quyền lực nhà nước trao cho, có tính pháp lý;
  • Sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để hoạt động;
  • Do cán bộ, công chức thực hiện.

4. Cách thức tiến hành hoạt động công vụ:

  • Hướng đến mục tiêu;
  • Hệ thống thứ bậc, phân công, phân cấp;
  • Thủ tục do pháp luật quy định trước;
  • Công khai;
  • Bình đẳng;
  • Khách quan, không thiên vị;
  • Có sự tham gia của nhân dân.

Như vậy, hoạt động công vụ là một loại hoạt động nhân danh quyền lực nhà nước (quyền lực công). Nói đến hoạt động công vụ là nói đến trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ nhằm mục tiêu phục vụ người dân và xã hội. Về mặt pháp lý, trách nhiệm của cán bộ, công chức thường được xem xét trong mối quan hệ thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ. Do đó, hoạt động công vụ thể hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức nhân danh quyền lực công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, bất kỳ Nhà nước nào cũng phải xây dựng một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả và nhấn mạnh đến trách nhiệm công vụ. Nền công vụ của mỗi quốc gia luôn phải tương thích với thể chế chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước hiện hành. Các quốc gia có thể chế chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước khác nhau thì quan niệm về hoạt động công vụ cũng có những điểm khác nhau. Tuy nhiên, xét đến cùng thì bản chất và mục tiêu cuối cùng của hoạt động công vụ đều giống nhau. Công vụ là lao động đặc thù của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, nhân danh quyền lực công để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống và phục vụ nhân dân.

Tham khảo:

+ Bảng lương của công chức năm 2023

+ Phân biệt công chức và viên chức