Giám định chữ ký có tác dụng gì?

Giám định chữ ký là việc người giám định sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn liên quan đến chữ ký thật, giả trên tài liệu, chứng cứ trong hoạt động giải quyết vụ án khởi kiện đòi nợ theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định, theo quy định của pháp luật.

Dịch vụ luật sư gọi 0904.588.557

Khó khăn khi giám định chữ ký trên giấy vay nợ viết tay

✔  Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, để có kết luận giám định được tiến hành bằng hai hình thức gồm: Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định. Trưng cầu giám định chỉ do Tòa án, người tiến hành tố tụng thực hiện. Còn yêu cầu giám định là quyền của đương sự sau khi đã đề nghị Tòa án, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.

✔  Kết luận giám định là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, được coi là chứng cứ làm cơ sở cho việc giải quyết vụ việc dân sự, nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do luật quy định. Như vậy có thể thấy việc giám định được cơ quan giám định tiến hành dựa trên 2 cơ sở: (i) Một là yêu cầu giám định của người tham gia tố tụng (ii) và hai là trưng cầu giám định của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân. Cụ thể:

Trưng cầu giám định và yêu cầu giám định về cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau ở chủ thể yêu cầu. Trưng cầu giám định là việc Tòa án, Viện kiểm sát ra quyết định trưng cầu giám định. Yêu cầu giám định là đương sự yêu cầu cơ quan tổ chức tiến hành hoạt động giám định theo quy định của Luật giám định tư pháp. Nghiên cứu pháp luật tố tụng dân sự của một số nước, có thể nói quy định về bổ sung thẩm quyền của Tòa án được quyền ban hành quyết định trưng cầu giám định khi đương sự không yêu cầu nhưng Tòa án xét thấy cần thiết ở Việt Nam có sự tương đồng so với một số nước. Tham khảo  quy định tại Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga: “Trong trường hợp phát sinh vấn đề cần kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, thủ công thì Tòa án trưng cầu giám định. Việc giám định có thể do cơ quan giám định tư pháp, một hoặc nhiều người giám định khác thực hiện”. Theo quy định tại Điều 232 Bộ luật tố tụng dân sự của Cộng hòa Pháp: “Thẩm phán có thể ủy thác cho bất kỳ người nào do mình lựa chọn để giúp Thẩm phán làm sáng tỏ vụ việc thông qua việc xác nhận, tư vấn hoặc giám định về một vấn đề thực tiễn đòi hỏi phải có sự hiểu biết của kỹ thuật viên”. Bên cạnh đó, Điều 263 của Bộ luật này quy định: “Thẩm phán chỉ quyết định trưng cầu giám định khi biện pháp trưng cầu xác nhận hoặc ý kiến tư vấn của chuyên gia không đủ làm sáng tỏ vấn đề mà Thẩm phán cần giải quyết”. Các quy định về trưng cầu giám định trong Bộ luật tố tụng dân sự của Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp đều được thiết kế theo hướng dành quyền chủ động cho Thẩm phán nhằm xác định những thông tin xác thực liên quan đến kiến thức chuyên môn.

Thực tiễn cho thấy, nhiều vướng mắc phát sinh xoay quanh thực hiện giám định tư pháp phục vụ công tác xét xử liên quan đến chữ ký, chữ viết của người vay tiền trên giấy vay tiền, cụ thể: Về giám định chữ ký, chữ viết, đương sự không thừa nhận chữ ký, chữ viết của mình có yêu cầu giám định thường cố tình cung cấp chữ ký “mẫu” nhiều dạng khác nhau, chữ ký cùng thời điểm với chữ ký mẫu không thu thập được hoặc thu thập không đủ… do đó cơ quan giám định từ chối…. hoặc là chỉ kết luận “Chữ ký không đồng dạng” chứ không có kết luận giám định, có những vụ án cung cấp hơn 10 mẫu chữ ký, có cả cùng thời điểm nhưng tổ chức giám định vẫn trả lời không giám định được?

Trong nhiều vụ việc dân sự, sự có mặt của người giám định tại phiên tòa là để bảo vệ kết luận giám định, giải thích làm rõ hơn kết luận giám định giúp cho đương sự cũng như Tòa án có cơ sở giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng pháp luật. Với tư cách là người tham gia tố tụng, người giám định sẽ giải thích về đối tượng giám định, quá trình giám định, phương pháp giám định để đi đến kết luận giám định. Vai trò của người giám định được thể hiện ở hai phương diện: Cung cấp chứng cứ (kết luận giám định) và tham gia tranh tụng qua việc giải thích kết luận giám định. Sự tham gia của người giám định tại phiên tòa giúp cho Thẩm phán và những người tham gia tố tụng có thể hiểu chính xác, nhất là đối với những loại hình giám định công nghệ cao đòi hỏi hệ thống tri thức mới, phức tạp. Để thuận lợi cho hoạt động của người giám định bảo vệ kết luận trước Tòa và thực thi có hiệu quả hướng dẫn tại khoản 3 Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần có hướng dẫn cụ thể quy định trách nhiệm của người giám định khi được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa triệu tập.

Tham khảo:

>> Hiệu lực của giấy vay nợ viết tay

>> Hướng dẫn thủ tục khởi kiện đòi nợ

Trên đây là một số chia sẻ của Luật sư Trí Nam. Hiện tại Luật sư Trí Nam thực hiện việc khởi kiện đòi nợ thành công cho nhiều khách hàng tại Miền Bắc. Quý vị có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư ngay hôm nay hãy gọi tới số 0904.588.557 để được trợ giúp.