Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng
Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng được pháp luật quy định như thế nào? Luật sư Trí Nam tư vấn cách xác định Trọng tài thương mại hay Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mà Quý vị đang đối điện.
Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng
Khi khởi kiện tranh chấp hợp đồng, người khởi kiện xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc sau:
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng được ưu tiên áp dụng theo thỏa thuận hợp pháp của các bên ghi nhận tại hợp đồng/ tài liệu khác.
- Bên khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng khi lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phải đưa ra chứng cứ, xuất trình căn cứ pháp luật chứng minh quyền được yêu cầu giải quyết tranh chấp.
- Bị đơn được quyền phản đối việc giải quyết tranh chấp hợp đồng của cơ quan tài phán đang thụ lý vụ án, và phải chứng minh căn cứ mình đưa ra là đúng.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Tòa án
Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự hòa giải và không có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài thì có thể được giải quyết tại Tòa án nhân dân. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án được xác định theo bốn bước:
✔ Bước 1: Xác định thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc
Xác định thẩm quyền theo vụ việc là ta xác định vụ việc tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án hay không. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo vụ việc từ Điều 26 đến Điều 34. Cụ thể:
- Tranh chấp hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 3 Điều 26;
- Tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại theo Điều 30;
- Tranh chấp hợp đồng lao động theo Điều 32.
✔ Bước 2: Xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử
Luật tổ chức Tòa án nhân dân chia thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án thành các cấp như sau:
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân cấp cao;
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh);
- Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện);
- Tòa án quân sự.
Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp được quy định tại Điều 35, 36 Bộ luật tố tụng dân sự; Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp được quy định tại Điều 37, 38 Bộ luật Tố tụng dân sự.
✔ Bước 3: Xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
- Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng về dân sự, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
- Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Lưu ý: Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.
✔ Bước 4: Xác định thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn
Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự:
“a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết”.
Sau khi xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền nhận đơn khởi kiện và xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khỏi kiện hợp lệ thì Tòa án thông báo cho nguyên đơn về việc nộp lệ phí và tiền tạm ứng án phí. Sau khi nhận được biên lai phí và tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thụ lý vụ án.
Phương thức hòa giải tranh chấp hợp đồng
✔ Phương thức giải quyết bằng hòa giải được thực hiện bởi các hòa giải viên. Phương pháp hòa giải là phương thức xuất hiện sớm nhất và được sử dụng đầu tiên khi có tranh chấp. Hòa giải là các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất một phương án giải quyết bất đồng giữa họ và tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận qua hòa giải.
✔ Hòa giải viên có thể là cá nhân, tổ chức hoặc Tòa án do các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn hoặc do pháp luật quy định. Thông thường, cá nhân được chọn làm người trung gian hòa giải thường là người có uy tín, được các bên tin tưởng và có kiến thức chuyên môn đối với vấn đề đang bị tranh chấp. Đối với tranh chấp hợp đồng lao động thì hòa giải viên lao động là người có thẩm quyền tiến hành hòa giải.
✔ Hòa giải không nhằm phân định ai đúng ai sai trên cơ sở các bằng chứng và quyền, nghĩa vụ pháp lý để ra phán quyết như trọng tài hay tòa án, do đó, hòa giải viên cũng không đưa ra các giải pháp mà chỉ giúp các bên thương lượng tìm được lợi ích chung, hướng đến giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận và tự nguyện tuân thủ.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng tại Trung tâm trọng tài
Theo Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì bên khởi kiện được quyền yêu cầu Trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp từ hợp đồng khi
- Có thỏa thuận trọng tài hợp pháp được các bên tham gia hợp đồng xác lập
- Tranh chấp hợp đồng phát sinh thuộc một trong ba trường hợp:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần. phán quyết trọng tài có tính chung thẩm: Các bên không thể kháng cáo trước Tòa án hoặc các tổ chức nào khác. Các bên tranh chấp phải thi hành phán quyết trọng tài trong thời hạn ấn định của phán quyết. Tuy nhiên, các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài trong một số trường hợp.
Một số chia sẻ hữu ích của Luật sư Trí Nam về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng để Quý khách hàng tham khảo. Chúng tôi nhận đại diện đàm phán tranh chấp và giải quyết nhanh, triệt để tranh chấp hợp đồng cho cá nhân, doanh nghiệp. Rất mong được hợp tác với quý khách hàng trong công việc.
Tham khảo: Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng