Nổi bật: Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2023

Quyết toán thuế TNCN là gì?

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là quy trình tính toán và xác định số tiền mà một cá nhân phải nộp hoặc được hoàn trả dựa trên thu nhập có được trong một năm tài chính. Việc quyết toán này có thể được thực hiện bởi cá nhân hoặc tổ chức, doanh nghiệp nơi cá nhân đó làm việc.

Pháp luật có hướng dẫn quy định chi tiết về ủy quyền quyết toán thuế TNCN.

Quyết toán thuế TNCN năm 2023 khi nào?

Đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế nộp chậm nhất ngày 30/4/2024. Theo khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019.

“2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:

a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;

b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;

c) Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.”

Quyết toán thuế TNCN bao lâu thì nhận được?

Căn cứ theo Điều 75 Luật Quản lý thuế năm 2019 có quy định về thời gian nhận được tiền hoàn thuế thu nhập cá nhân như sau: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế TNCN thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

“Điều 75. Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế

1. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, chậm nhất là 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc thông báo chuyển hồ sơ của người nộp thuế sang kiểm tra trước hoàn thuế nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật này hoặc thông báo không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.

Trường hợp thông tin khai trên hồ sơ hoàn thuế khác với thông tin quản lý của cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản để người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin. Thời gian giải trình, bổ sung thông tin không tính trong thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

2. Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế, chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.

3. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”

Thu nhập bao nhiêu thì phải đóng thuế TNCN

Như vậy, hiện nay đối với người có mức lương trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/ năm) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp người lao động có một người phụ thuộc thì mức lương phải trên 15,4 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.

Người phụ thuộc là gì?

Người phụ thuộc là người mà đối tượng chịu thuế TNCN có trách nhiệm, nghĩa vụ bao nuôi, chăm sóc trên mối quan hệ mật thiết. Người phụ thuộc theo quy định của pháp luật được quy định là:

  • Con cái của người lao động chịu thuế TNCN chưa đủ 18 tuổi, bị thương tật bẩm sinh, không có khả năng lao động.
  • Người không có nguồn thu nhập hoặc có thu nhập ở mức dưới 1.000.000 VNĐ/tháng gồm con cái đang theo học tại các trường trong hoặc ngoài nước, vợ hoặc chồng không còn khả năng lao động, bố/mẹ hoặc ông/bà không nằm trong độ tuổi lao động hoặc có nằm trong độ tuổi lao động nhưng không có khả năng lao động, những người khác không có nơi nương tựa theo quy định của pháp luật.

Giảm trừ gia cảnh là thế nào?

Giảm trừ gia cảnh là số tiền trừ vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân khi xác định thu nhập tính thuế dựa trên hoàn cảnh gia đình của người nộp thuế. Theo thông lệ các nước, giảm trừ gia cảnh thường được áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc/và thu nhập từ kinh doanh của cá nhân cư trú.

  • Mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân 11.000.000đ/ tháng
  • Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc 4.400.000đ/ tháng

Thu nhập vãng lai là gì?

Qua đó, pháp luật hiện hành không quy định hay giải thích về thu nhập vãng lai. Tuy nhiên có thể hiểu thu nhập vãng lai là khoản thu nhập không thường xuyên hoặc khoản thu nhập nhận được không thông qua hợp đồng lao động.

Trên đây là bảy nội dung quan trọng cần nắm về quyết toán thuế TNCN, hy vọng các chia sẻ sẽ hữu ích cho mọi người trong việc tham khảo và áp dụng pháp luật.