Vợ, chồng phải cùng có nghĩa vụ với các khoản nợ sau:

  1. Nợ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
  2. Nợ do vợ hoặc chồng hoặc cả vợ và chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  3. Nợ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  4. Nợ phát sinh từ khoản bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường và các khoản nợ khác mà pháp luật liên quan có quy định.
  5. Các khoản nợ do vợ chồng cùng có nghĩa vụ liên đới chịu được gọi là nợ chung, các khoản nợ khác được gọi là nợ riêng.

Quy định về nợ chung, nợ riêng

  • Đối với “nợ chung”, Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

  • Đối với nợ riêng, Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng

Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Như vậy, có thể hiểu, “Nợ riêng” của vợ chồng là nghĩa vụ riêng rẽ của vợ hoặc chồng mà người đó có nghĩa vụ thực hiện, không liên đới, liên quan đến người còn lại, bao gồm: khoản nợ vợ, chồng đã có trước khi kết hôn; nợ từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng; nợ phát sinh từ giao dịch do một bên vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình; và nợ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Trong đó, nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng không bao gồm trường hợp nợ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình hoặc từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.

Khi ly hôn, nợ chung được phân chia như thế nào?

Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng khi ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình:

Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn

1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.

Theo đó, nghĩa vụ chung về tài sản hay khoản nợ chung của vợ chồng đối với bên thứ ba vẫn còn khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, điều này có nghĩa, dù vợ chồng đã ly hôn, thì vợ chồng vẫn liên đới chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ chung, trả nợ chung.

Nếu vợ chồng có khoản nợ chung, thì ngay cả khi đã ly hôn:

– Người có quyền (chủ nợ) có thể yêu cầu bất cứ ai, hoặc vợ, hoặc chồng phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đó;

– Trường hợp vợ hoặc chồng đứng ra trả nợ chung, thì người đã trả nợ có quyền yêu cầu người còn lại phải trả lại phần nợ thuộc nghĩa vụ (liên đới) của mình.

Như vậy, vợ chồng nên thỏa thuận về việc phân chia nghĩa vụ chung về tài sản khi ly hôn và yêu cầu Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận này. Nếu không thỏa thuận được, vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án phân chia nợ chung.

Kinh nghiệm phân chia nợ chung khi ly hôn

  • Thứ nhất, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng trong trường hợp do một bên (vợ hoặc chồng) làm phát sinh chỉ trở thành nghĩa vụ chung khi nghĩa vụ này phát sinh là vì mục tiêu đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp này, vợ chồng có nghĩa vụ liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba theo khoản 1 Điều 27 và khoản 1 Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình.

Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

  • Thứ hai, vợ chồng có trách nhiệm liên đới đối với các nghĩa vụ chung về tài sản. Điều 288, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ liên đới như sau:

Điều 288. Thực hiện nghĩa vụ liên đới

1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.

Theo đó, các nghĩa vụ chung về tài sản sẽ có thể do cả hai vợ chồng cùng thực hiện, bên có quyền có thể yêu cầu vợ hoặc chồng phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ với mình. Sau khi đã thực hiện xong toàn bộ nghĩa vụ, người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ với người thứ ba có thể yêu cầu người kia thực hiện phần nghĩa vụ của họ với mình.

Trên đây là chia sẻ của Luật Trí Nam quy định về nghĩa vụ vợ chồng với các khoản nợ hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Hy vọng các chia sẻ sẽ hữu ích cho quý khách hàng tham khảo và áp dụng trong thực tiễn.

Tham khảo

+ Cách chia tài sản khi ly hôn có lợi nhất

+ Hướng dẫn thủ tục ly hôn nhanh