Hành vi phạm tội nào cấu thành tội phạm hình sự?
Hành vi cấu thành tội phạm hình sự (Hành vi phạm tội hình sự) là hành vi được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động, thỏa mãn những dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự cụ thể theo từng loại tội phạm.
Dấu hiệu cấu thành của hành vi phạm tội bao gồm
- Hành vi phạm tội là hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
- Xét về tính chất, hành vi phạm tội là hành vi có tính gây thiệt hại đáng kể cho xã hội, có lỗi và được quy định trong Bộ luật hình sự.
- Xét về cấu trúc, hành vi phạm tội đòi hỏi có những dấu hiệu sau:
- Chủ thể thực hiện phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng như phải thoả mãn các dấu hiệu đặc biệt khác (dấu hiệu chủ thể đặc biệt) nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi;
- Về mặt khách quan, chủ thể phải có hành động hoặc không hành động thỏa mãn các dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm (hành vi, hậu quả, quan hệ nhân quả, đối tượng tác động...),
- Về mặt chủ quan, chủ thể phải có lỗi, cố ý hoặc vô ý tuỳ từng cấu thành tội phạm cũng như chủ thể phải có động cơ, mục đích nhất định nếu cấu thành tội phạm đòi hỏi.
Các loại hành vi phạm tội được quy định bao gồm:
- Hành vi phạm tội thực hiện bằng hành động của cá nhân, tổ chức gây thiệt hại nghiêm trọng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác, gây rối loạn trật tự xã hội.
Ví dụ: Người có hành vi cướp tài sản của người khác thì phạm tội cướp tài sản.
- Hành vi phạm tội thể hiện thông qua việc các cá nhân, tổ chức không thực hiện hành động ví dụ làm ngơ, không tố giác tội phạm, không cứu người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng… gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích của người khác và xâm phạm đến lợi ích chung gây rối loạn trật tự xã hội thì vẫn được xác định là hành vi phạm tội.
Ví dụ: A và B cùng đi chơi và B bị ngã xuống ao. A thấy B kêu cứu nhưg A không cứu giúp không gọi người cứu sau đó B tử vong.
Trường hợp này A đã không cứu giúp người khiến B tử vong nên hành vi của A có thể cấu thành tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ luật hình sự, đây là hành vi phạm tội không hành động.
Tội phạm (Hình sự) là gì?
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. (Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự 2015).
Như vậy, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có yếu tố lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Theo đó, tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm gồm tính gây thiệt hại về mặt khách quan và yếu tố lỗi về mặt chủ quan, được xác định dựa trên các tiêu chí:
- Tính chất quan hệ xã hội bị xâm hại;
- Hậu quả của hành vi phạm tội gây ra;
- Tính chất và mức độ lỗi;
- Tính chất của động cơ và mục đích phạm tội.
Với những hành vi mặc dù có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không được xác định là tội phạm. Thay vào đó, những hành vi vi phạm này sẽ được xử lý bằng các biện pháp khác như xử phạt vi phạm hành chính,...
Phân loại tội phạm thế nào?
Pháp luật hình sự uy định 04 loại tội phạm dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội gồm: Tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc điểm của các loại tội phạm như sau:
STT | Loại tội phạm | Tính chất và mức độ nguy hiểm | Mức cao nhất của khung hình phạt |
1 | Tội phạm ít nghiêm trọng | Có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn. |
- Phạt tiền; - Phạt cải tạo không giam giữ; - Phạt tù đến 03 năm. |
2 | Tội phạm nghiêm trọng | Có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn. | Từ trên 03 năm - 07 năm tù. |
3 | Tội phạm rất nghiêm trọng | Có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn. | Từ trên 07 năm - 15 năm tù. |
4 | Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng | Có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn. |
- Từ trên 15 năm - 20 năm tù; - Tù chung thân hoặc tử hình. |
Các chia sẻ nhanh của Luật Trí Nam về hành vi phạm tội và tội phạm hy vọng sẽ hữu ích cho mọi người trong việc tìm hiểu và áp dụng pháp luật trong thực tế.
Nổi bật: