1. Cộng tác viên là gì?

Cộng tác viên thường được hiểu đơn giản là những người làm việc tự do, không trực thuộc hệ thống nhân viên chính thức của doanh nghiệp. Những người này thường không bị gò bó về thời gian, không gian làm việc. Thông thường, cộng tác viên chỉ hợp tác với doanh nghiệp trong một thời gian nhất định hoặc họ có thể hợp tác làm việc cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân cùng lúc. Cộng tác viên sẽ được nhà tuyển dụng giao cho một khối lượng công việc nhất định để hoàn thành. 
Đa số cộng tác viên đều làm việc độc lập để hoàn thành công việc nhưng cũng có trường hợp cộng tác viên phải phối hợp với nhân viên của doanh nghiệp để hoàn thành dự án được bàn giao.
Một số công việc cộng tác viên: cộng tác viên viết bài, cộng tác viên bán hàng, bán dịch vụ, cộng tác viên dịch thuật…
Khi tuyển dụng cộng tác viên, chắc hẳn doanh nghiệp đều quan tâm xem loại hợp động phải ký với cộng tác viên là gì để tạo cơ sở pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Hiện nay, khi thuê cộng tác viên, doanh nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ, tùy vào nhu cầu.

2. Sự khác nhau giữa hợp đồng dịch vụ và hợp đồng lao động

- Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc là cộng tác viên và bên thuê dịch vụ là bên nhận cộng tác viên làm việc, đồng thời phải trả tiền dịch vụ cho bên cộng tác viên.
- Theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019,
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Căn cứ quy định nêu trên, nếu hợp đồng cộng tác viên đáp ứng các điều kiện sau thì sẽ được xem là hợp đồng lao động:
- Có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương.
- Có nội dung thể hiện về sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Nếu hợp đồng cộng tác viên được xác định là hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao động phải tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động (như đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp,...) Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ.
Như vậy, tùy từng trường hợp mà hợp đồng cộng tác viên có thể được xem là hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ.

3. Thời hạn của hợp đồng cộng tác viên là bao lâu?

Thời hạn của hợp đồng cộng tác viên tùy theo loại hợp đồng được lựa chọn áp dụng:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Nếu thời gian thực hiện công việc theo hợp đồng lao động nhiều hơn 36 tháng.
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Nếu thời gian thực hiện công việc theo hợp đồng lao động từ 36 tháng trở xuống.
- Với hợp đồng dịch vụ: Các bên tự do thỏa thuận thời hạn bởi Bộ luật Dân sự 2015 không giới hạn về nội dung này

4. Công ty có phải đóng bảo hiểm cho cộng tác viên không?

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hiện có hai hình thức bảo hiểm xã hội (BHXH) là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong đó, Điều 2 Luật BHXH năm 2014 quy định BHXH bắt buộc chỉ áp dụng đối doanh nghiệp và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động chỉ bắt buộc phải tham gia BHXH khi làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Chính vì vậy, nếu ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với cộng tác viên, doanh nghiệp và cộng tác viên sẽ phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

5. Thu nhập từ công việc cộng tác viên đóng thuế TNCN thế nào?

Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, nếu ký hợp đồng lao động thì thu nhập từ công việc cộng tác viên của người lao động sẽ được tính là thu nhập từ tiền lương, tiền công và tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần sau khi giảm trừ gia cảnh, giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo.
Còn trường hợp ký hợp đồng dịch vụ, thuế thu nhập cá nhân của người lao động sẽ được khấu trừ trực tiếp vào thù lao thực hiện công việc của cộng tác viên. Theo điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, doanh nghiệp sẽ khấu trừ 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân để nộp thuế thu nhập cá nhân.

CÔNG TY LUẬT TRÍ NAM

Điện thoại: 19006196/024.62928699

Email: hanoi@luattrinam.vn

Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà 227 đường Nguyễn Ngọc Nại, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội.