Theo quy định mới, nhận được đơn đề nghị giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà UBND xã sẽ thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất là một trong các thủ tục hành chính quan trọng ghi nhận tại Điều 223 Luật đất đai 2024. Luật đất đai mới cũng ghi nhận giá trị của biên bản hòa giải tại UBND, theo đó khoản 6 Điều 137 Luật đất đai 2024 quy định Hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo biên bản hòa giải thành lập tại UBND xã hoặc tại Tòa án.

“Điều 137. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất

6. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật…”

Để giúp mọi người hiểu thêm về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, trước khi chia sẻ mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai chúng tôi xin trích dẫn chi tiết quy định về hòa giải tranh chấp đất đai theo Luật đất đai năm 2024

“Điều 235. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

2. Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau:

a) Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;

b) Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;

c) Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai;

d) Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp;

đ) Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.

3. Hòa giải tranh chấp đất đai tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án và pháp luật về tố tụng dân sự. Hòa giải tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan tới đất đai bằng hòa giải thương mại thực hiện theo pháp luật về hòa giải thương mại.

4. Đối với trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.

5. Đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì không thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định tại Điều 236 của Luật này.”

Tải: Mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai

Hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND xã

1. Những tranh chấp đất đai nào bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã?

Tranh chấp đất đai trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất thì phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất (UBND cấp xã) nếu muốn khởi kiện.

Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định: “Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.

2. Cách viết đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai

Theo kinh nghiệm của Luật sư trình bày đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức cần lưu ý những điểm sau :

  • Xác minh thông tin về thửa đất tranh chấp, nội dung tranh chấp thông qua thủ tục xin trích lục thông tin thửa đất tại UBND xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai.

Việc xác minh thông tin giúp cho người yêu cầu xác định đúng chủ thể đang tranh chấp với mình là cá nhân Ông A, Bà B hay là hộ gia đình Ông A. Song song đó các thông tin giúp cho người yêu cầu kiểm định lại nội dung tranh chấp có đúng không.

  • Trình bày diễn biến vụ việc theo mốc thời gian xuyên suốt để cơ quan nhà nước tiện tra cứu văn bản pháp luật có hiệu lực áp dụng.
  • Cụ thể hóa yêu cầu cần UBND xã giải quyết

3. Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai

Thành phần Hội đồng hòa giải gồm:

+ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng;

+ Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn;

+ Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn;

+ Đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó;

+ Cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn.

Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành

4. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai

Hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã sẽ xảy tra 1 trong 2 trường hợp:

1. Trường hợp 1: Hòa giải thành (kết thúc tranh chấp đất đai)

+ Nếu có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.

+ Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân.

2. Trường hợp 2: Hòa giải không thành

Hòa giải không thành nếu muốn giải quyết việc tranh chấp thì theo 02 hướng sau: Một là yêu cầu UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp đất đai ; Hai là khởi kiện yêu cầu Tòa án có thảm quyền giải quyết tranh chấp.

5. Thời gian giải quyết thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai

Thời gian hòa giải tại UBND cấp xã: Không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Trên thực tế, nhiều UBND chậm giải quyết, nếu muốn giải quyết nhanh thì phải “nhắc” UBND về thời hạn trên. Biên bản hòa giải phải ghi đầy đủ thông tin sau:

+ Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải;

+ Thành phần tham dự hòa giải;

+ Tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu);

+ Ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;

+ Những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Trên đây là chia sẻ nhanh của chúng tôi về mẫu đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai. Theo quy định không bắt buộc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã đối với trường hợp mảnh đất đang tranh chấp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy nếu phải yêu cầu UBND xã giải quyết tranh chấp đất đai thì các bên phải làm đơn đề nghị để được hòa giải tranh chấp.

Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai

Như đã chia sẻ, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND xã không phải trường hợp nào cũng bắt buộc thực hiện, tuy nhiên tác dụng của việc yêu cầu UBND xã giải quyết tranh chấp đất đai là rất lớn, ví dụ:

  • UBND xã sẽ giúp xác minh, làm rõ hiện trạng sử dụng đất, thông tin thửa đất tranh chấp.
  • Hoặc UBND xã sẽ giúp kịp thời ngăn chặn hoặc thực hiện các yêu cầu cấp thiết cho người yêu cầu bao gồm: Xin ngăn chặn việc đăng ký biến động đất đai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, …
  • Giúp cho UBND xã nắm được nội dung tranh chấp đất đai để giả sử trong quá trình khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án thì có trường hợp UBND xã đóng vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, UBND xã sẽ cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết cho Tòa án giúp nhanh chóng giải quyết tranh chấp.

Với 03 lợi ích trên, việc lựa chọn có hay không yêu cầu UBND giải quyết tranh chấp đất đai là điều người yêu cầu cần cân nhắc trước khi quyết định khởi kiện tranh chấp đất đai tới Tòa án nhân dân nơi có đất để yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp.

Khi các bước hòa giải không đem lại hiệu quả thì thực hiện thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án là điều cần thiết. Thủ tục khởi kiện là phương thức kết thúc tranh chấp văn minh, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi mỗi tranh chấp chỉ được giải quyết 01 lần.

Công ty Luật Trí Nam nhận tư vấn hướng dẫn cho mọi người cách giải quyết tranh chấp đất đai hiệu quả, đồng thời nhận đại diện bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong việc giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND xã và khởi kiện tranh chấp đất đai tại TAND có thẩm quyền. Quý khách hàng có nhu cầu được Luật sư trợ giúp hãy liên hệ chúng tôi ngay hôm nay.