Ly hôn cần những giấy tờ gì? [Hướng dẫn mới 2023]
“Khi ly hôn bạn cần căn cước công dân, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con,…” Bạn hãy cùng Luật Trí Nam xem cụ thể ly hôn cần những giấy tờ gì theo quy định mới nhất để không bị thiếu sót.
Ly hôn đơn phương cần những giấy tờ gì?
Nếu bạn muốn ly hôn đơn phương bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Đơn xin ly hôn đơn phương
Đơn ly hôn bạn mua trực tiếp tại Tòa án hoặc sử dụng mẫu đơn ly hôn viết tay theo nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
- Bản sao công chứng căn cước công dân của người xin ly hôn
Trường hợp sử dụng CMTND hoặc căn cước công dân chưa gắn chip thì phải cung cấp thêm Giấy xác nhận thông tin cư trú.
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Trường hợp bạn bị mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì phải xin Bản trích lục đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường.
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của con
- Giấy xác nhận thông tin cư trú của vợ chồng người yêu cầu ly hôn
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tài sản chung yêu cầu phân chia.
- Giấy đăng ký xe của tài sản chung yêu cầu phân chia.
- Tài liệu về tài sản chung yêu cầu phân chia.
Muốn ly hôn đơn phương bạn sẽ phải lường trước các tranh chấp có thể phát sinh khi Tòa án giải quyết bởi mỗi vấn đề phát sinh, mỗi yêu cầu của các bên đều kéo theo việc bạn sẽ phải cung cấp tài liệu có liên quan cho Tòa án.
Ví dụ: Ly hôn đơn phương kèm theo thủ tục xác định cha cho con thì bạn sẽ cần cung cấp tài liệu ghi nhận thông tin của cha đẻ của con mình gửi tới Tòa án.
Thuận tình ly hôn cần những giấy tờ gì?
Đối với thủ tục thuận tình ly hôn, khi ly hôn bạn chỉ cần chuẩn bị giấy tờ sau:
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
- Bản sao công chứng CCCD của hai vợ chồng
Trường hợp sử dụng CMTND hoặc căn cước công dân chưa gắn chip thì phải cung cấp thêm Giấy xác nhận thông tin cư trú.
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
Trường hợp bạn bị mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì phải xin Bản trích lục đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường.
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của con
- Giấy xác nhận lý do ly hôn của UBND phường, xã.
- Nguyện vọng của con đối với con chung từ 7 tuổi trở lên.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tài sản chung yêu cầu Tòa án ghi nhận phân chia vào quyết định ly hôn.
- Giấy đăng ký xe của tài sản chung yêu cầu Tòa án ghi nhận phân chia vào quyết định ly hôn.
- Tài liệu về tài sản chung yêu cầu Tòa án ghi nhận phân chia vào quyết định ly hôn.
Bản sao công chứng giấy tờ có thời hạn sử dụng bao lâu?
Giấy tờ cần có trong hồ sơ ly hôn có rất nhiều tài liệu là bản sao công chứng. Theo Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định như sau:
"…2. Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...”
Theo đó trừ trường hợp Tòa án căn cứ vào quy định pháp luật để từ chối bản sao công chứng giấy tờ mà bạn cung cấp do hết thời hạn thì theo quan điểm của chúng tôi giấy tờ công chứng trong hồ sơ ly hôn không có thời hạn hết hạn. Thông thường để tránh vướng mắc chúng tôi khuyến nghị bạn nên dùng tài liệu là bản sao công chứng trong thời gian 06 - 12 tháng gần nhất.
Các thủ tục ly hôn được phép thực hiện
Luật hôn nhân gia đình quy định thủ tục ly hôn chỉ bao gồm hai trường hợp mà Luật Trí Nam đã nêu ở trên là: Thuận tình ly hôn (Hay còn gọi là xin ly hôn đồng thuận); Hai là đơn phương ly hôn (Hay còn gọi là xin ly hôn theo yêu cầu của một bên).
Về giấy tờ cần chuẩn bị thì các bạn thấy không có nhiều điểm khác biệt, nhưng về thủ tục ly hôn và những yêu cầu được Tòa án giải quyết thì hoàn toàn khác nhau
Tham khảo: Hướng dẫn thủ tục ly hôn nhanh
Hướng dẫn xin trích lục giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị mất
Căn cứ quy định tại Điều 63 Luật hộ tịch 2014 về việc cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký thì cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Bộ Tư pháp, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền. Như vậy, bạn đăng ký kết hôn ở cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch nào thì bạn đến cơ quan đó để xin trích lục giấy đăng ký kết hôn.
- Bước 1: Nộp hồ sơ trích lục giấy đăng ký kết hôn
Người có yêu cầu trích lục giấy đăng ký kết hôn nộp hồ sơ tại Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch có thẩm quyền. Hồ sơ xin trích lục bản sao giấy đăng ký kết hôn bao gồm:
- Tờ khai cấp bản sao trích lục đăng ký kết hôn;
- Giấy tờ tùy thân (hộ chiếu/CMND/thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng);
- Sổ hộ khẩu của người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch
- Giấy tờ ủy quyền (Trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục)
+ Văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực theo quy định. Đối với trường hợp người được ủy quyền không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người được ủy quyền.
+ Giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền. Đối với trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người được ủy quyền.
- Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ xin trích lục đăng ký kết hôn
Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ do người yêu cầu xuất trình hoặc nộp.
- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả;
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện theo quy định.
- Nếu hồ sơ yêu cầu cấp bản sao trích lục sau khi đã được hướng dẫn theo quy định mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối.
- Bước 3: Cấp trích lục đăng ký kết hôn
Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, nếu thấy hồ sơ đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch căn cứ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch, ghi nội dung bản sao trích lục hộ tịch, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch ký cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
- Bước 4: Nhận bản sao trích lục giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã được cấp.
Hướng dẫn xin xác nhận địa chỉ cư trú của vợ chồng người ly hôn
Người xin ly hôn đơn phương liên hệ Công an khu vực thuộc Công an xã, phường nơi vợ, chồng đang cư trú để thực hiện thủ tục. Hồ sơ xin xác nhận địa chỉ cư trú của vợ chồng bao gồm:
- Đơn xin xác nhận địa chỉ cư trú của cá nhân
- Bản gốc CCCD của người thực hiện thủ tục.
- Bản sao CMTND/ CCCD của người được xin xác minh thông tin cư trú.
Hướng dẫn chuẩn bị đơn ly hôn chuẩn quy định mới
Sử dụng đơn ly hôn viết tay để Tòa án chấp thuận bạn tham khảo theo hướng dẫn sau:
Tham khảo: Hướng dẫn viết đơn xin ly hôn
Dịch vụ ly hôn trọn gói hỗ trợ chuẩn bị giấy tờ
Công ty Luật Trí Nam chuyên dịch vụ ly hôn trọn gói tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, chúng tôi hỗ trợ khách hàng chuẩn bị các tài liệu cần có theo yêu cầu của Tòa án khi nộp hồ sơ ly hôn. Khách hàng sử dụng dịch vụ chỉ cần cung cấp các tài liệu nhân thân như CMTND, hộ khẩu, giấy khai sinh của con, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Quý khách hàng đang muốn ly hôn và cần hỗ trợ tư vấn vui lòng liên hệ ngay với Luật Trí Nam theo thông tin
CÔNG TY LUẬT TRÍ NAM
Điện thoại: 0904.588.557
Email: hanoi@luattrinam.vn
Địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà 227 đường Nguyễn Ngọc Nại, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội.